Posted on 28/02/2013 by Civillawinfor
PGS.TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN – ĐẠI HỌC QUỐC GIA TPHCM
GIA TPHCM
1. Dẫn nhập
Thoạt nhìn, các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005
(BLDS) về quyền sở hữu có nhiều nét tương đồng với các quy định cùng
tính chất được ghi nhận tại các BLDS của các nước tiền tiến như Pháp,
Đức, Nhật. Đặc biệt, về nội dung của quyền sở hữu, người làm luật Việt
Nam thừa nhận quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và
quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật (BLDS
Điều 164). Sự thừa nhận đó không khác mấy so với sự nhìn nhận của người
Pháp về các yếu tố đặc trưng của quyền sở hữu, như được khẳng định tại
Điều 544 BLDS Napoléon: “Quyền sở hữu là quyền hưởng dụng và định đoạt
tài sản một cách tuyệt đối nhất, miễn là không phạm điều cấm theo luật
hoặc theo văn bản lập quy”[1]. Điểm khác biệt đáng chú ý nhất có lẽ là
việc cụm từ “quyền chiếm hữu” được ghi nhận trong định nghĩa chính thức
về nội dung quyền sở hữu trong BLDS Việt Nam, nhưng không thấy xuất hiện
trong điều luật tương ứng của BLDS Pháp.
Tuy nhiên, chính sự khác biệt ấy đã dẫn đến sự hình
thành một chế độ pháp lý về sở hữu rất đặc thù trong luật Việt Nam. Điều
này khiến cho một mặt, luật Việt Nam trở nên khó hiểu đối với thế giới,
mặt khác, việc thực hiện quyền sở hữu trở nên phức tạp do sự trộn lẫn
các quyền năng có tính chất khác biệt trong khuôn khổ một chế định duy
nhất.
2. Chiếm hữu và quyền sở hữu
2.1. Nội dung của quyền sở hữu theo luật của các nước tiền tiến
Truyền thống La Mã. Từ rất sớm, người La Mã đã phân tích được quyền sở hữu thành một tập hợp của ba nhóm quyền năng, gọi là usus, fructus và abusus[2]. Một cách ngắn gọn, usus là quyền sử dụng tài sản, quyền khai thác công năng của tài sản nhằm phục vụ cho nhu cầu của chủ thể; fructuslà quyền thu nhận những lợi ích vật chất mà tài sản mang lại, đặc biệt là những lợi ích được nhận dạng dưới hình thức hoa lợi (fruits) của tài sản; còn abusus
là quyền định đoạt tài sản, bao gồm định đoạt vật chất (tiêu dùng, tiêu
huỷ,…) và định đoạt pháp lý (bán, tặng cho, để thừa kế,…).
Quan niệm về nội dung của quyền sở hữu như trên
được quán triệt trong luật của các nước tiền tiến, đặc biệt là các nước
châu Âu, và được sử dụng như một công cụ chủ yếu để phân tích các quyền
chủ thể đối với tài sản, nhằm làm rõ bản chất của các quyền ấy, tạo điều
kiện cho việc xây dựng, hoàn thiện các chế độ pháp lý liên quan. Chẳng
hạn, quyền sở hữu được ghi nhận ở một người khi người đó có đủ ba quyền
năng – dùng, thu lợi và định đoạt; người chỉ có quyền dùng và quyền thu
lợi được gọi là người hưởng dụng (usufructuary); còn người chỉ có quyền dùng thì được gọi là người sử dụng hoặc người mượn tài sản.
2.2. Chiếm hữu theo luật của các nước tiền tiến
2.2.1. Tính chất của quan hệ chiếm hữu
Sự nhìn nhận quyền sở hữu theo góc nhìn cuộc sống đời thường.
Tình huống điển hình là có một người xuất hiện công khai trong dáng vẻ,
tư thế của người có những quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản.
Dáng vẻ, tư thế ấy được thể hiện trong cách ứng xử trong mối quan hệ với
tài sản, chẳng hạn điều khiển xe chạy trên đường, sinh hoạt trong nhà,…
Thông thường, người tỏ ra có quyền đối với tài sản cũng là người thực
sự có quyền: họ là chủ, người thuê, người mượn hợp pháp. Nhưng không
loại trừ khả năng đó chỉ là một người tự tiện chiếm dụng tài sản, thậm
chí là kẻ trộm, cướp. Nói khác đi, quyền năng được thể hiện trên thực tế
đối với tài sản không hẳn lúc nào cũng phản ánh trung thực mối quan hệ
pháp lý giữa người thực hiện quyền năng và tài sản đó.
Điều chắc chắn, và hợp lý, hợp tình, là chừng nào
người thực hiện quyền năng bề ngoài ấy chưa phải đứng trước một cuộc sát
hạch về tư cách pháp lý, chẳng hạn, trong khuôn khổ một vụ tranh chấp
trước toà án về quyền sở hữu đối với tài sản, thì người này được và cần
được, phải được thừa nhận là người có quyền đối với tài sản đó. Sự thừa
nhận ấy thể hiện thành cách ứng xử cụ thể mà người ta dành cho người
đang thực hiện quyền năng đối với tài sản. Tuỳ theo tính chất tôn trọng
hay không tôn trọng đối với người được cho là có quyền năng, hành vi ứng
xử của người khác được cho là đúng mực hay không đúng mực và được pháp
luật điều chỉnh một cách tương ứng.
Bởi vậy mới có một câu chuyện thú vị: A trộm túi xách
trong cửa hàng của B. Trên đường về nhà, A bị kẻ cướp chặn đường, giật
lấy túi xách. Việc xảy ra trước mắt C, là anh ruột của B. C xông vào can
thiệp, giành lại túi xách và trả cho A. Về đến nhà, C nghe nói B đã bị
kẻ trộm lẻn vào cửa hàng lấy mất một chiếc túi xách; tuy nhiên, C không
biết rằng mình đã có dịp đối mặt với kẻ trộm, thậm chí đã giúp đỡ kẻ ấy
giành lại chiếc túi xách, mà suy cho cùng là của em ruột mình.
Tình trạng thực tế mà trong đó, A trong câu chuyện
xuất hiện trước mắt C như một người có quyền sở hữu đối với tài sản và
quyền sở đó đang bị người khác xâm hại, được luật học của các nước gọi
là chiếm hữu (possession, từ nguyên gốc trong tiếng latinh possessio).
Về phương diện học thuật, chiếm hữu được hiểu là việc
một người thể hiện bằng những ứng xử cụ thể các quyền năng đối với một
tài sản. Chiếm hữu với tư cách chủ sở hữu là việc một người tỏ ra có các
quyền của chủ sở hữu đối với tài sản.
Trong chừng mực nào đó, chiếm hữu được coi là biểu
hiện bề ngoài của quyền sở hữu. Biểu hiện ấy có thể phản ánh trung thực
nội dung bên trong của quyền, nghĩa là người tỏ ra có quyền cũng thực sự
là người có quyền đó. Nhưng nó cũng có thể hoàn toàn trái ngược với nội
dung ấy: trường hợp kẻ trộm túi xách trong câu chuyện nói trên là một
ví dụ.
2.2.2. Thiết lập quan hệ chiếm hữu
Corpus và animus[3].
Quyền sở hữu được xác lập theo những căn cứ như chuyển nhượng, để thừa
kế, theo thời hiệu,… Nói chung, khi đề cập đến việc thiết lập quyền sở
hữu của một người đối với một tài sản, người ta chú ý cách thức mà những
quyền năng của chủ sở hữu được trao cho người này. Điều quan trọng là
các cách thức ấy phải hợp lệ thì quyền sở hữu mới được coi là thiết lập
hợp pháp và được bảo vệ: hợp đồng mua bán phải có giá trị thì quyền sở
hữu mới được chuyển cho người mua; di chúc phải có giá trị thì người
thừa kế theo di chúc mới xác lập được quyền sở hữu đối với tài sản thừa
kế;…
Trong khi đó, sự chiếm hữu được ghi nhận trong hoàn
cảnh cụ thể và được người ta cảm nhận; sự cảm nhận ấy dẫn dắt người ta
đi đến chỗ thừa nhận tư cách của người chiếm hữu mà không bận tâm đến
việc tìm hiểu tính xác thực, hợp pháp của tư cách đó. Người can thiệp C
trong câu chuyện nói trên không thể biết rằng A đã có được chiếc túi
xách ấy nhờ trộm cắp. Trước mắt C là một người có những biểu hiện cho
thấy là chủ nhân của một tài sản và quyền sở hữu của người này đối với
tài sản đang bị người khác xâm hại.
Ở góc độ khoa học luật, các biểu hiện ấy được phân
tích thành hai nhóm yếu tố cấu thành quan hệ chiếm hữu và được người La
Mã lần lượt gọi là corpus và animus.
Corpus là yếu tố vật chất, còn gọi là yếu tố
khách quan của sự chiếm hữu. Yếu tố này biểu hiện thành các hành vi ứng
xử cụ thể cho thấy người ứng xử là người có quyền đối với tài sản. Các
hành vi ấy có thể mang tính chất vật chất: cất đồ đạc trong tủ, coi sóc
nhà cửa, chăm sóc cây cối,…[4]. Nhưng đó cũng có thể là hành vi ứng xử
mang tính pháp lý: trả tiền thuế đất cho cơ quan thuế và nhận hoá đơn,
giao kết hợp đồng cho mượn, gửi giữ tài sản,…
Animus là yếu tố ý chí, còn gọi là yếu tố
chủ quan. Đó là trạng thái tâm lý thể hiện thành thái độ ứng xử hàm chứa
quyền năng của người chiếm hữu đối với tài sản. Thái độ đó khiến người
ta ghi nhận ở người chiếm hữu phong độ của một người có quyền đối với
tài sản, phân biệt với những người khác thuộc phần còn lại của thế giới.
Thiết lập quan hệ chiếm hữu theo luật của các nước tiêu biểu. Ở
Đức, Pháp và nói chung các nước Tây Âu, sự chiếm hữu được ghi nhận và
được thừa nhận trên nguyên tắc, không chỉ trong cuộc sống đời thường mà
cả trong luật, một khi có sự hội tụ của corpus vàanimus ở một người.
Có những trường hợp nắm giữ tài sản mà ai cũng biết
không thể được coi là chiếm hữu, chẳng hạn, người thợ máy đang loay hoay
sửa một chiếc xe bị hỏng hóc kỹ thuật để trong ga ra chắc chắn không
phải là người chiếm hữu chiếc xe đó; hoặc người lái xe chở hàng không
phải là người chiếm hữu số hàng đó. Nhưng thông thường, một người có
hành vi tác động lên một tài sản đồng thời cũng thể hiện quyền năng của
mình trong hành vi đó, để cho phép mọi người ghi nhận tư cách người
chiếm hữu của người đó đối với tài sản. Trong một tình huống đặc thù,
người chiếm hữu với tư cách chủ sở hữu chuyển giao tài sản cho người
khác sử dụng theo hợp đồng (mượn, thuê,…). Khi đó, cả hai đều là được
coi người chiếm hữu, một người (người mượn, thuê,…) chiếm hữu trực tiếp,
còn người kia chiếm hữu gián tiếp.
2.2.3. Hiệu lực pháp lý của việc chiếm hữu
Bảo vệ sự chiếm hữu. Là một tình
trạng thực tế, nhưng chiếm hữu lại phát sinh hiệu lực pháp lý như một
quan hệ giữa một người – gọi là người chiếm hữu – và một vật, được pháp
luật thừa nhận, điều chỉnh.
Tư tưởng chủ đạo là sự chiếm hữu được bảo vệ theo một
chế độ riêng, phân biệt với chế độ bảo vệ quyền sở hữu. Thông thường,
người chiếm hữu cũng đồng thời là chủ sở hữu đích thực, hợp pháp của tài
sản[5]. Bởi vậy, một cách hợp lý, người chiếm hữu được luật suy đoán là
chủ sở hữu.
Chính vì được suy đoán là chủ sở hữu mà người chiếm
hữu trong câu chuyện trộm túi xách nói trên được coi là nạn nhân của một
vụ cướp giật trong mắt người đi đường và được bảo vệ. Ứng xử của C
trong câu chuyện hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực sống trong xã hội
có tổ chức và được khuyến khích như là cách ứng xử cần thiết nhằm góp
phần duy trì trật tự xã hội.
Trong khuôn khổ một tranh chấp pháp lý về nội dung
của quyền đối với tài sản, người chiếm hữu được miễn trách nhiệm chứng
minh: người nào nói rằng người đang chiếm hữu không phải là chủ sở hữu
thì phải trưng ra được các bằng chứng thuyết phục về điều mình khẳng
định.
Cần nhấn mạnh rằng, sự bảo vệ người chiếm hữu là việc
làm cần thiết trước hết nhằm duy trì trật tự xã hội. Đơn giản, việc
chiếm hữu đang diễn ra trước mắt mọi người như là một phần của khung
cảnh sống bình yên trong xã hội. Việc ai đó có hành vi xâm phạm sự chiếm
hữu của người khác bằng kiểu ứng xử lệch chuẩn, thậm chí trái pháp
luật, như chiếm đoạt bằng vũ lực, phải bị ngăn chặn, xử lý. Trong câu
chuyện túi xách nói trên, giả sử B tình cờ gặp A ở nơi công cộng với
chiếc túi xách trong tay, thì B phải báo cho nhà chức trách để có biện
pháp xử lý vụ việc theo trình tự, thủ tục đòi lại tài sản do pháp luật
quy định. B không được tự tiện xông tới dùng sức mạnh cơ bắp, vũ khí để
giành lại tài sản: nếu B làm việc đó, thì trong mắt mọi người, B có hành
vi xâm phạm tài sản của người khác, qua đó, xâm phạm trật tự xã hội và
phải bị chế tài.
Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu.
Chiếm hữu tài sản một cách liên tục, công khai trong một thời gian dài,
người chiếm hữu mà không có quyền rốt cuộc sẽ có được quyền đó. Người
chiếm hữu trong tư thế chủ sở hữu, dù không phải là chủ sở hữu đích
thực, sau một thời gian, sẽ được thừa nhận là chủ sở hữu hợp pháp đối
với tài sản.
Để được hưởng sự thừa nhận đó, điều quan trọng là
người chiếm hữu phải chiếm hữu trong tư thế và với thái độ tâm lý của
người có quyền. Bởi vậy, người nghĩ rằng mình chỉ là một người thuê tài
sản và ứng xử phù hợp với suy nghĩ đó, chẳng hạn, bằng cách trả tiền
thuê đều đặn, không bao giờ có thể xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu
đối với tài sản, dù việc chiếm hữu tài sản thuê có kéo dài đến bao lâu.
Xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi cho người chiếm hữu ngay tình.
Người chiếm hữu mà không phải là chủ sở hữu tất nhiên có nghĩa vụ giao
trả tài sản cho chủ sở hữu đích thực, đặc biệt là sau một vụ kiện đòi
lại tài sản hoặc sau một vụ huỷ bỏ hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản.
Về mặt lý thuyết, khi giao trả tài sản, thì người
chiếm hữu cũng phải giao trả cả hoa lợi, lợi tức gắn với tài sản, bởi
những thứ đó, theo luật, là của chủ sở hữu tài sản gốc. Vấn đề, đối với
người chiếm hữu ngay tình, là khi thu nhận hoa lợi, lợi tức, người này
tin tưởng một cách chính đáng rằng chính mình là chủ sở hữu tài sản và
cũng là chủ sở hữu hoa lợi, lợi tức phát sinh. Thông thường, hoa lợi,
lợi tức là tài sản tiêu hao: một khi được thu nhận, tài sản đó thường
được phải tiêu thụ trong thời gian ngắn. Do đó, buộc người chiếm hữu
hoàn trả hoa lợi, lợi tức có nghĩa là buộc người này trả nợ bằng tiền.
Nếu thời gian chiếm giữ tài sản kéo dài, số tiền có thể rất lớn và thực
sự là một gánh nặng đối với người chiếm hữu. Trong trường hợp người
chiếm hữu là ngay tình, áp đặt một gánh nặng như thế là không hợp với lẽ
phải.
Bởi vậy, luật các nước quyết định thừa nhận quyền sở
hữu của người chiếm hữu ngay tình đối với hoa lợi, lợi tức gắn với tài
sản chiếm hữu. Quyền này được thừa nhận chừng nào sự ngay tình còn được
duy trì và chấm dứt từ lúc người chiếm hữu biết hoặc buộc phải biết mình
không phải là người có quyền sở hữu đối với tài sản.
3. Quyền sở hữu và chiếm hữu trong luật Việt Nam hiện hành
3.1. Chiếm hữu là một phần nội dung của quyền sở hữu
Quyền sở hữu = quyền chiếm hữu + (usus và fructus) + abusus.
Như đã nói, quyền sở hữu theo luật Việt Nam hiện hành gồm có ba yếu tố –
quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Quyền định đoạt có
nội hàm tương tự như abusus trong luật La Mã; quyền sử dụng, trong chừng mực nào đó, là sự kết hợp của usus và fructus.
Còn lại quyền chiếm hữu cần được xây dựng nội hàm thích ứng trong điều
kiện luật ở các nước không coi quyền này là một phần nội dung của quyền
sở hữu.
Người làm luật Việt Nam giải quyết vấn đề bằng cách,
một mặt cố gắng xây dựng một định nghĩa pháp lý chính thức cho quyền
chiếm hữu như là một phần nội dung của quyền sở hữu[6], mặt khác, tiếp
nhận một phần các giải pháp cho vấn đề hiệu lực pháp lý của quan hệ
chiếm hữu được thừa nhận trong luật của các nước. Với cách làm đó, luật
Việt Nam có nhiều điểm lạ đáng chú ý.
3.2. Hệ quả của cách làm đặc thù
Sự chiếm hữu chỉ được bảo vệ một khi thiết lập được mối liên hệ hợp pháp với quyền sở hữu.
Được coi là một phần của quyền sở hữu, quyền chiếm hữu không được bảo
vệ theo một chế độ riêng mà được nhập chung với quyền sở hữu, thành đối
tượng chung của một chế độ bảo vệ duy nhất, gọi là bảo vệ quyền sở hữu,
được quy định tại Chương XV BLDS. Chế độ này được đặc trưng bởi hai
quyền cơ bản – Quyền đòi lại tài sản (Điều 256) và quyền yêu cầu ngăn
chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện
quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp (Điều 259).
Điều kiện để được bảo vệ là việc chiếm hữu phải được
xác lập hoặc là có căn cứ pháp luật, hoặc là không có căn cứ pháp luật
nhưng ngay tình, gọi chung là chiếm hữu hợp pháp[7]. Nói rõ hơn, người
chiếm hữu chỉ được hưởng sự bảo vệ của luật pháp, công lực một khi cho
thấy sự chiếm hữu là có chính danh, nghĩa là tình trạng chiếm hữu của
mình đối với tài sản là hệ quả của việc thực hiện quyền sở hữu hợp pháp
của một người nào đó (có thể là chính mình hoặc một người khác) đối với
tài sản.
Trong câu chuyện của A, B, C kể trên, đúng là C sẽ
giao chiếc túi xách lại cho A, sau khi giành lại được từ tay kẻ cướp
giật, mà không bận tâm đến việc tìm hiểu, rốt cuộc, A là ai, làm sao có
được chiếc túi xách đó. Đơn giản, C ứng xử một cách tự nhiên, theo thói
quen của một người dân bình thường yêu chuộng công lý, lẽ phải.
Nhưng diễn biến câu chuyện có thể sẽ khác đi, nếu C
là nhân viên công lực đang thi hành nhiệm vụ. Khi đó, C sẽ phải tiến
hành các việc cần thiết nhằm xử lý vụ vi phạm theo quy định của pháp
luật, trong đó có việc giao trả tài sản cho nạn nhân. Trên nguyên tắc,
việc giao trả chỉ được thực hiện một khi có căn cứ thoả đáng cho thấy
người nhận lại tài sản đích thực là chủ nhân hợp pháp của tài sản đó
hoặc là người được chủ nhân hợp pháp chuyển giao quyền sử dụng tài sản
một cách hợp lệ. Quá trình kiểm tra bao gồm việc đặt và giải quyết các
vấn đề liên quan đến tính chính danh của việc nắm giữ đối với tài sản,
rốt cuộc, là các vấn đề liên quan đến nội dung của quyền năng.
Đáng nói nữa là không chỉ trong trường hợp tài sản bị
chiếm đoạt bằng hành vi vi phạm pháp luật hình sự, như nói trên, mà cả
khi việc chiếm hữu tài sản bị quấy nhiễu trong cuộc sống dân sự, thì để
có thể có được hưởng sự bảo vệ của luật pháp, công lực, người chiếm hữu
cũng phải trải qua cuộc thẩm tra để làm rõ tư cách trong mối quan hệ với
quyền sở hữu. Ví dụ, có một người đang khai thác một phần đất một cách
bình yên; một người khác đến cắm dùi bên cạnh rồi bắt đầu tiến hành lấn
chiếm; người bị lấn chiếm kiện yêu cầu chấm dứt hành vi lấn chiếm. Trước
cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người khiếu kiện phải chứng minh được
rằng mình là người thực sự có đối với tài sản, thì mới được bảo vệ.
Ở các nước, với nguyên tắc suy đoán người chiếm hữu
là người có quyền thì trong trường hợp việc chiếm hữu tài sản bị xâm
hại, quấy nhiễu bằng hành vi vi phạm pháp luật, người chiếm hữu được bảo
vệ theo cách bảo vệ mà luật pháp dành cho chủ sở hữu. Điều cần nhấn
mạnh là suy cho cùng người chiếm hữu được bảo vệ không phải vì nhà chức
trách tin chắc rằng đó là chủ sở hữu đích thực của tài sản. Đơn giản,
việc chiếm hữu đó là một phần của cuộc sống xã hội đang diễn ra một cách
bình yên; sự bình yên đó cần được duy trì, bởi nó hàm chứa ít rủi ro
xung đột, khủng hoảng xã hội so với tình cảnh mà người xâm hại, quấy
nhiễu việc chiếm hữu tạo ra bằng hành vi xâm hại, quấy nhiễu của mình.
Đâu là điểm dừng của quá trình kiểm tra?
Trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, không có một loại phương
tiện chứng minh nào được chính thức thừa nhận là có khả năng cung cấp
bằng chứng tuyệt đối về quyền sở hữu tài sản. Bởi vây, quá trình thẩm
tra tư cách pháp lý của người nắm giữ tài sản chỉ có thể dẫn dắt người
ta đến một điểm nào đó trên con đường vô tận tìm kiếm thông tin hoàn hảo
về quyền năng của một người đối với tài sản. Ở điểm đó, người kiểm tra
chỉ có thể lựa chọn một trong ba phương án xử lý vụ việc.
Hoặc, người được kiểm tra tư cách được thừa nhận,
theo các bằng chứng được thẩm định đến lúc đó, là người có quyền sở hữu
hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản. Những người khác phải tôn
trọng quyền của người này; người nào có hành vi xâm phạm quyền của
người này đối với tài sản phải bị chế tài theo quy định của pháp luật.
Hoặc, người được kiểm tra tư cách không được thừa
nhận là người có quyền. Khi đó, lại có hai khả năng. Khả năng thứ nhất
là có người khác chứng minh được một cách thuyết phục trước cơ quan chức
năng rằng mình là người có quyền đối với tài sản; trong trường hợp này,
tài sản phải được giao cho người đó. Khả năng thứ hai là không có ai
khác chứng được rằng mình là người có quyền đối với tài sản; trong
trường hợp này, cách xử lý duy nhất phù hợp với logic của sự việc là coi
tài sản như của vô chủ và nhập vào khối công sản của Nhà nước.
Điều có thể gây bức xúc, đặc biệt đối với người chiếm
hữu tài sản trong trường hợp bị kết luận là người không có quyền đối
với tài sản, là: việc chiếm hữu đang được thực hiện một cách bình yên;
một ngày nọ, quyền chiếm hữu bị xâm hại, quấy nhiễu, khiến nhà chức
trách phải can thiệp và sự can thiệp ấy lại dẫn đến kết cục như thế.
Càng bức xúc hơn nữa trong điều kiện bản thân sự kết luận chính thức của
nhà chức trách lại không thể có giá trị tuyệt đối, do chẳng bao giờ,
trong khung cảnh pháp lý hiện tại, người ta có thể khẳng định một cách
chắc nịch và không thể đảo ngược rằng người này, người kia là người có
quyền đối với tài sản.
4. Kết luận
Luật phải phản ánh cuộc sống bình thường.
Cần phải viết lại các điều luật liên quan đến quyền sở hữu và chiếm hữu
trong BLDS. Điều đó cần thiết để luật Việt Nam không chỉ hiểu được đối
với phần còn lại của thế giới, mà còn có thể được mọi người chấp nhận,
áp dụng, tuân thủ mà không thắc mắc, bất bình vì có cảm giác bị đối xử
không công bằng. Tư tưởng chủ đạo là: có nhiều lúc cần xử sự với nhau
trong cuộc sống dân sự, về phương diện pháp lý, dựa theo những gì được
thấy, được cảm nhận mà không cần tìm hiểu bản chất bên trong của những
điều thấy được, cảm nhận được. Nói khác đi, cần phải để cho cuộc sống
bình thường được phản ánh, thừa nhận trong luật, bởi sự bình thường đó
là một phần của trật tự, bình ổn xã hội, là cái mà luật phải bảo vệ.
Cứ hình dung câu chuyện chiếm hữu trong luật là sự
khái quát hoá câu chuyện giao tiếp xã hội – pháp lý diễn ra hàng ngày
tại một bãi giữ xe máy điển hình của cơ quan công quyền. Tất cả những
người dẫn xe máy vào bãi giữ xe đều được người trông giữ đối xử như
nhau, như là người có năng lực giao kết hợp đồng gửi giữ: họ giao xe,
nhận phiếu gửi, trả phí trông giữ và nhận lại xe sau khi kết thúc công
việc cần làm. Người trông giữ không và không cần, cũng như không có
quyền hạch hỏi để xem người gửi xe liệu có phải là chủ sở hữu hoặc ít
nhất là người chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản, rồi từ đó mới có thái
độ ứng xử thích hợp. /.
[1] Nguyên văn Điều 544 BLDS Pháp: “La
propriété est le droit de jouir et disposer des choses de la manière la
plus absolue, pourvu qu’on en fasse pas un usage prohibé par les lois ou
par les règlements”.
[2] Có thể xem, ví dụ: F.Terré
và Ph. Simler, Droit civil – Les biens, Précis Dalloz (Paris), 2006, tr.
79 đến 91; Ph. Malaurie và L. Aynès, Droit civil – Les biens, Cujas
(Paris), 2008, tr. 117 đến 121; Gérard Cornu, Droit civil- Introduction.
Les personnes. Les biens, Montchrestien, 2001, tr. 327 đến 329.
[3] Xem, ví dụ, Radulesco, La notion et les éléments constitutifs de la possession en legislation, Luận án tiến sĩ, Paris, 1925.
[4] Suy cho cùng, chiếm hữu
trước hết là sự chiếm hữu vật chất, sự cầm giữ. Đối với động sản, đó là
việc nắm giữ tài sản trong tay hoặc ít nhất là trong tầm tay; đối với
bất động sản, đó là việc dựng hàng rào làm ranh giới phân biệt với bất
động sản khác.
[5] Bởi nếu thông thường, người chiếm hữu không phải là chủ sở hữu, thì xã hội đúng là rất mất trật tự.
[6] Theo BLDS Điều 182, quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản.
[7] Thực ra, khái niệm “chiếm
hữu hợp pháp” được người làm luật nhắc đến trong các điều luật liên quan
(BLDS Điều 255, 256, 259, 260), nhưng lại không được giải thích. Dẫu
sao, có thể nghĩ rằng cả người chiếm hữu gọi là có căn cứ pháp luật theo
Điều 183, cũng như người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay
tình theo Điều 189 cùng được người làm luật đối xử như nhau, đặc biệt
là được bảo vệ như nhau. Trong điều kiện đó, có thể coi cả hai là người
chiếm hữu hợp pháp.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét