71.000 hộ gia đình có công sẽ được hỗ trợ nhà ở
27/07/2013 15:18
|
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam |
Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6), năm 2013, khoảng 71.000 gia đình có công sẽ được hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo nhà ở nếu bị hư hỏng, dột nát.
Xung quanh việc này đang được dư luận hết sức hoan nghênh, Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, làm sao có thể triển khai sớm quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ.PV: Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng người có công được hỗ trợ nhà ở có gì khác so với các quy định trước đây?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm từ trước đến nay. Từ năm 1996, căn cứ vào kinh tế-xã hội của đất nước, tình hình cụ thể của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở với nhiều hình thức như tặng nhà Tình nghĩa, hỗ trợ tiền nhà và tiền sử dụng đất khi mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc khi được giao đất làm nhà ở, hỗ trợ kinh phí để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở…
Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg; năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho người có công với cách mạng cải thiện nhà ở. Tuy nhiên, do nguồn lực hỗ trợ trước đây có hạn và đã qua nhiều năm sử dụng, nhà ở của một bộ phận người có công với cách mạng đã hư hỏng, xuống cấp.
Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg này quy định hỗ trợ cho tất cả 12 nhóm đối tượng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (kể cả các trường hợp trước đây đã được hỗ trợ) nhưng hiện nay nhà ở bị hư hỏng, dột nát.
PV: Theo quy định, để được hỗ trợ về nhà ở, hộ gia đình người có công phải đồng thời đáp ứng được điều kiện về đối tượng, nơi sinh sống, hiện trạng nhà đang ở theo các tiêu chí nhất định. Một số ý kiến cho rằng, nếu bắt buộc phải có đầy đủ các điều kiện này thì có phần khắt khe. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Về nguyên tắc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg này là để người có công với cách mạng có nhà ở chắc chắn, đảm bảo an toàn. Vì vậy, người có công với cách mạng thuộc đối tượng được hỗ trợ phải là những người đang ở trong các căn nhà bị xuống cấp, hư hỏng, dột nát.
Các điều kiện theo quy định tại Quyết định 22/2013/QĐ-TTg được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng, căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, điều kiện cụ thể của các địa phương.
PV: Xin ông cho biết việc hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc nào? Các trường hợp đặc biệt như hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì việc hỗ trợ sẽ như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Việc các hộ dân tự xây dựng nhà ở là để các hộ dân chủ động trong việc lựa chọn thiết kế nhà ở, nguyên vật liệu xây dựng nhà ở, thuận lợi trong việc huy động sự giúp đỡ về nguồn lực và nhân công của gia đình và cộng đồng, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và của từng gia đình (trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở những năm vừa qua cho thấy mô hình hình này tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân, đạt hiệu quả rõ rệt).
Tuy nhiên, trong suốt quá trình xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ dân xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở.
Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật ..) không thể tự xây dựng nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải có trách nhiệm tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ này.
PV: Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, trong năm 2013 phải thực hiện cơ bản xong việc hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công. Ông có thể cho biết tiến độ triển khai chương trình hỗ trợ này?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg thì trong năm 2013 thực hiện hỗ trợ cơ bản xong cho khoảng 71.000 hộ. Bộ Xây dựng đã có Thông tư hướng dẫn và công văn đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện để kịp tiến độ theo quy định.
Theo đó, các địa phương phải phê duyệt đề án hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng trước ngày 31/8/2013 để được phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Sau khi nhận được vốn phải triển khai ngay việc thực hiện trong tháng 9/2013 và cố gắng hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình được hỗ trợ trong tháng 11/2013 (xây dựng trong 3 tháng, 1 tháng dự phòng).
PV: Liệu khó khăn lớn nhất khi thực hiện Chương trình này có phải là vấn đề kinh phí không thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Theo quy định thì ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 100% cho các địa phương có khó khăn về ngân sách phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương trên 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2012, các địa phương còn lại chỉ phải bố trí ngân sách địa phương từ 5% đến 20% theo mức quy định, căn cứ vào các địa phương có khó khăn về ngân sách phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương hay điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương.
Căn cứ vào giá thành xây dựng nhà ở hiện nay thì với 40 triệu đồng (trong trường hợp xây mới) hoặc 20 triệu đồng (trong trường hợp sửa chữa) là đảm bảo các hộ dân xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa nâng cấp nhà ở hiện có với diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung- tường cứng, mái cứng).
Việc huy động thêm vốn từ cộng đồng, dòng họ và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ nhằm nâng cao hơn về diện tích, chất lượng và tiện nghi nhà ở của người có công với cách mạng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Những gia đình có công với Cách mạng được ưu đãi nhà ở: - Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 - Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945 - Thân nhân liệt sĩ - Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Anh hùng Lao động trong thời kì kháng chiến - Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh - Bệnh binh - Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học - Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày - Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế - Người có công giúp đỡ cách mạng |
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét