Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Không có tên trong di chúc, có quyền đòi chia di sản? Cô gái ngồi xe lăn thắng kiện hơn 4 tỷ đồng



Cô gái ngồi xe lăn thắng kiện hơn 4 tỷ đồng

Phạm Ánh Nguyệt - bại liệt vì di chứng chất độc da cam từ người cha thương binh - sẽ được người thân giao cho hơn 4 tỷ đồng, tương đương với kỷ phần là hơn 25 m2 đất mà ông bà nội để lại.

 

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm cách nay gần một năm, ngỡ tưởng Phạm Ánh Nguyệt đã được thừa hưởng một phần di sản do ông bà nội cô để lại. Ai dè phải đến tận hôm qua, cô gái bị di chứng chất độc da cam này mới chính thức được pháp luật công nhận quyền lợi.
Ngày 21/6, TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ kiện đòi quyền thừa hưởng di sản thừa kế kế vị, với nguyên đơn là chị Phạm Ánh Nguyệt (33 tuổi, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) và bị đơn là bà Phạm Thị Thuận (46 tuổi, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.
Cũng như ở phiên tòa trước, bà Thuận không đến dự mà ủy quyền cho con rể tham gia tố tụng. Còn chị Nguyệt bị bại liệt vì di chứng chất độc da cam từ người cha đi kháng chiến nên ủy quyền cho mẹ đẻ là bà Đào Minh Phượng cùng đến tòa để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án.
Chị gái chăm sóc Nguyệt tại phiên tòa. Ảnh: ANTĐ.
Chị gái chăm sóc Nguyệt tại phiên tòa. Ảnh: ANTĐ.
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội ngày 23/8/2012, vợ chồng cụ Phạm Công Mẫn và Nguyễn Thị Giáp mất năm 2006 để lại căn nhà 6 tầng trên diện tích 53,7 m2 tại ngõ 630 đường Trường Chinh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. Vợ chồng cụ Mẫn có hai người con là ông Phạm Công Cảnh, thương binh hạng 3/4 (bố đẻ Nguyệt), bị tâm thần bỏ nhà đi từ năm 1994 (tòa án tuyên bố đã chết) và bà Phạm Thị Thuận.
Năm 2004, vợ chồng cụ Mẫn lập di chúc để lại toàn bộ diện tích đất và căn nhà (thời điểm ấy là nhà một tầng) cho con gái, sau khi hai cụ qua đời. Ngay trước khi mất, vợ chồng cụ Mẫn đồng ý để bà Thuận phá bỏ căn nhà cũ và xây căn nhà mới 6 tầng. Thời điểm đó, bà Thuận hứa hẹn với cháu gái rằng xây nhà xong sẽ cho hai chị em Nguyệt một khoản tiền để kiếm chỗ ở khác. Nhưng sau này bà Thuận bội ước, không cho hai cháu gái một đồng nào.
Không còn ông bà nội để bấu víu, trong khi mẹ đẻ ngày một già yếu do bệnh tật nên cô gái sống dựa vào chiếc xe lăn, ở nhờ trong chùa buộc đã đâm đơn ra tòa. Trước những chứng cứ cùng lập luận mà các bên đương sự đưa ra, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên bố Phạm Ánh Nguyệt được thừa hưởng hơn 25m2 đất và tầng 1 của căn nhà 6 tầng mang tên bà Thuận hiện nay, theo khoản 2, Điều 669-Bộ luật Dân sự, chia di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Không đồng ý với quyết định của cấp sơ thẩm, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án.
Ôm đơn kháng cáo ra trước HĐXX phúc thẩm, đại diện theo ủy quyền của bà Thuận đề nghị tòa án bác đơn khởi kiện của mẹ con chị Nguyệt với các lý do thời điểm cụ Mẫn và cụ Giáp lập di chúc, ông Cảnh đã chết; bản di chúc do hai cụ xác lập hoàn toàn hợp pháp; không có căn cứ để xác định ông Cảnh là con của vợ chồng cụ Mẫn và mẹ con chị Nguyệt không có tư cách đứng đơn khởi kiện đòi quyền lợi. Về phía nguyên đơn, mẹ con bà Phượng tỏ rõ mong muốn Tòa án Tối cao giữ nguyên các quyết định tại bản án sơ thẩm và công nhận cô gái bị di chứng chiến tranh được sử dụng hơn 25m2 nhà đất. Tại phiên tòa này, cả hai bên đương sự đều không xuất trình thêm tài liệu gì mới nhằm bảo vệ yêu cầu của mình.
Theo hồ sơ vụ án, thời điểm vợ chồng cụ Mẫn lập di chúc cho con gái được hưởng toàn bộ nhà và đất (ngày 10/8/2004), ông Phạm Công Cảnh chưa được TAND quận Đống Đa tuyên bố là đã chết. Trong khi đó, ông Cảnh lại là thương binh bị chấn thương sọ não dẫn đến tâm thần và mất khả năng lao động. Điều này đồng nghĩa với việc người lập di chúc phải ý thức được họ vẫn còn một người con trai nữa. Mặt khác, cho dù cụ Mẫn và cụ Giáp không muốn cho ông Cảnh tài sản của mình thì pháp luật vẫn buộc phải để lại 2/3 kỷ phần của một suất được thừa hưởng di sản, bởi người thân của họ không còn khả năng tự sinh sống.
Cũng chính vì lý do này mà cấp tòa sơ thẩm đã xác định bản di chúc của cụ Mẫn cùng cụ Giáp thiết lập không hoàn toàn hợp pháp và hợp lệ. Đối với nội dung phía bị đơn cho rằng không có căn cứ để xác lập ông Cảnh là con của cụ Mẫn và cụ Giáp thì không phải đợi đến phiên tòa phúc thẩm mà ngay tại cấp sơ phẩm đã được làm rõ quan hệ giữa họ là quan hệ bố mẹ và con cái. Nó được chứng minh không chỉ bằng giấy khai sinh của ông Cảnh, sổ hộ khẩu gia đình cụ Mẫn mà còn được chứng minh bởi chính lời khai của bà Thuận trong hồ sơ vụ án... Với những căn cứ ấy, chị Nguyệt hội đủ tư cách để yêu cầu pháp luật phân chia di sản thừa kế kế vị, không phụ thuộc vào di chúc.
Cấp tòa phúc thẩm nhận thấy, tòa sơ thẩm đã phân xử “thấu lý đạt tình”. Tuy vậy, việc TAND TP Hà Nội tuyên bố cho chị Nguyệt được ở tầng 1 của căn nhà tranh chấp với diện tích hơn 25 m2 mặt sàn là không thỏa đáng vì rất có thể sau này sẽ phát sinh ra những mâu thuẫn mới. Vì lẽ đó, TAND Tối cao quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm và tuyên bố cho bà Phạm Thị Thuận được quản lý, sử dụng toàn bộ căn nhà, đất do vợ chồng cụ Mẫn để lại. Còn chị Phạm Ánh Nguyệt, thay vì sống trong căn nhà của ông bà nội sẽ nhận 4,1 tỷ đồng (tương ứng với kỷ phần di sản được hưởng) mà bà Thuận là người phải có nghĩa vụ thi hành.
Theo An ninh Thủ đô

Đối tượng hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Cập nhật lúc 06:50, Thứ Năm, 20/12/2012 (GMT+7)
Hỏi: Những người nào được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc? Thanh Đông (Minh Thành, Quảng Yên)
* Trả lời: Điều 669 Bộ luật Dân sự 2005 về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc quy định:
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

Không có tên trong di chúc, có quyền đòi chia di sản?



Trước khi mất, ba tôi làm di chúc để toàn bộ tài sản cho mẹ tôi, có sự chứng kiến của pháp luật và người làm chứng. Nay nếu mẹ tôi để tài sản cho riêng một người con, những người con khác trong gia đình có quyền khởi kiện để đòi quyền thừa kế không?
Theo tôi được biết, khi bố hoặc mẹ mất thì người mẹ và người bố sẽ được thừa hưởng 50% giá trị tài sản, số còn lại chia đều cho tất cả những người con, có đúng không? Trường hợp thứ hai: nếu mẹ tôi bán nhà thì chúng tôi có được quyền thừa hưởng di chúc của bố tôi không? Rất mong nhận được câu trả lời của quý báo. Chân thành cảm ơn.
kewellcangio@
Luật sư Nguyễn Văn Hậu trả lời:
Nếu như trước khi mất ba của bạn đã lập di chúc hợp pháp và để lại toàn bộ tài sản cho mẹ của bạn thì kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm ba của bạn mất), toàn bộ tài sản của ông sẽ được trao lại cho mẹ của bạn. Do vậy mẹ của bạn có toàn quyền định đoạt khối tài sản này.
Bạn nói rằng "theo tôi được biết khi bố hoặc mẹ mất thì người bố và người mẹ sẽ được hưởng 50% giá trị tài sản. Số còn lại sẽ chia đều cho tất cả những người con”. Cách phân chia như vậy là không đúng đối với trường hợp của ba mẹ bạn vì ba bạn trước khi mất có lập di chúc và đã chỉ định rõ người được hưởng toàn bộ di sản là mẹ của bạn chứ không phải là ai khác. Một khi mẹ bạn là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà thì bà có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt căn nhà này.
Tuy nhiên, chỉ trong trường hợp bạn và người thân của bạn thuộc một trong các đối tượng "thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc" theo quy định tại Điều 669 Bộ luật Dân sự thì người đó mới có quyền khởi kiện để xin chia thừa kế.
Điều 669 Bộ luật Dân sự có quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc gồm những đối tượng sau:
              1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
              2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Những người nói trên vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định của Điều 642 Bộ luật Dân sự, hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật Dân sự.
Việt Báo (Theo_TuoiTre) 

Thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Câu hỏi:
Vợ chồng tôi có bốn con: hai trai, hai gái. Chúng tôi có một thửa đất đã được thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở. Trên thửa đất này tôi đã cho hai con trai xây dựng nhà kiên cố để vợ chồng tôi và gia đình hai con trai cùng ở. Hỏi: Vợ chồng tôi làm di chúc chuyển quyền sở hữu nhà ở cho các con, ngoài chữ ký của vợ chồng tôi thì cần chữ ký của các con tôi không? Bản di chúc này cần có xác nhận của cơ quan nào để có hiệu lực pháp lý? Khi nào thì các con tôi được hưởng thừa kế? Nay vợ chồng tôi chỉ di chúc cho hai con trai có được không vì hai con gái đã đi ở riêng và được Nhà nước cấp đất để xây dựng nhà ở rồi?

Trả lời:

Thứ nhất, về quyền của người lập di chúc.
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 651 Bộ luật dân sự(1) quy định về quyền của người lập di chúc thì người lập di chúc có các quyền như sau:
“1. Chỉ định người thừa kế...
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế”.
Vì ngôi nhà là tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng bà nên vợ chồng bà có quyền định đoạt bằng cách lập di chúc để chuyển quyền sở hữu cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật.
Điều 666 Bộ luật dân sự(2) quy định về di chúc chung của vợ, chồng thì: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Ông bà có thể cùng lập di chung để lại tài sản cho các con mà không cần phải có chữ ký của các con vì ngôi nhà này là tài sản chung của vợ chồng bà.
Điều 653 Bộ luật dân sự(3) quy định hình thức di chúc bằng văn bản bao gồm các loại:
“1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
 2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
 3. Di chúc bằng văn bản có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
 4. Di chúc bằng văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước”.
Như vậy nếu ông bà đang khoẻ mạnh minh mẫn thì có thể tự mình lập di chúc mà không cần phải có người làm chứng hoặc có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, về hiệu lực của di chúc.
Căn cứ khoản 1 Điều 636 Bộ luật dân sự(4) thì di chúc chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế tức là thời điểm người để lại di sản mất.
Khoản 1 Điều 636 Bộ luật dân sự quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết, thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này(5)”.  
Vì ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng và cả hai vợ chồng bà cùng lập di chúc nên căn cứ Điều 671 Bộ luật dân sự(6) hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ chồng bà sẽ được xác định như sau: “Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó”.
Thứ ba, về quyền của hai người con gái không được hưởng thừa kế theo di chúc.
Căn cứ dữ kiện bà nêu thì vợ chồng bà chỉ lập di chúc cho hai người con trai hưởng di sản thừa kế còn không có hai người con gái hưởng. Nếu hai người này có yêu cầu được hưởng mà họ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 672 Bộ luật dân sự(7) thì họ vẫn được hưởng một phần bằng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật.
Điều 672 Bộ luật dân sự quy định: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2 phần 3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu như di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2 phần 3 suất đó, trừ khi họ là những người từ chối hưởng di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 645 hoặc khoản 1 Điều 646 của Bộ luật này(8):
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.  
Giả sử sau khi người lập di chúc mất đi mà có tranh chấp về di sản thừa kế cụ thể hai người con gái không được hưởng thừa kế mà yêu cầu được hưởng một phần tài sản của bố mẹ để lại. Cụ thể nếu họ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều 672 Bộ luật dân sự năm 1995 thì mỗi người sẽ được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu họ.
-----------------------------------------------------
(1) Khoản 1, 2 điều 648 Bộ luật dân sự năm 2005.
(2) Điều 663 Bộ luật dân sự năm 2005.
(3) Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng;
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực".
(4) Khoản 1 điều 633 Bộ luật dân sự năm 2005.
(5) Khoản 2 điều 81 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Tuỳ từng trường hợp toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này".
(6) Điều 668 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết".
(7) Điều 669 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Những người sau đây vẫn được hưởng di sản bằng 2/3 suất của 1 người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động".
(8) Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
3. Thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Sau 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế";
Khoản 1 điều 643 Bộ luật dân sự năm 2005.



Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 1900 6279 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

Quyền yêu cầu chia thừa kế của người vợ sau khi chồng mất ?

Câu hỏi:
Vợ chồng tôi sinh được 7 người con. Chúng tôi có ba thửa đất thổ cư tổng diện tích 564m2. Khi các con xây dựng gia đình đều được bố mẹ cho phép xây nhà ở trên 2 thửa đất của bố mẹ. Còn mảnh vườn nhỏ nhất (32m2) để bố mẹ dưỡng già và khi trăm tuổi thì để lo ma chay cúng giỗ thì không xây. Vì bố mẹ chưa tuyên bố cho các con đất nên toàn bộ đất đai vẫn do chồng tôi đứng tên. Chồng tôi mất năm 1996 đến tháng 1/2005 người con trai trưởng đã chiếm mảnh vườn này và xây nhà trên đó bất chấp sự phản đối của tôi. Hỏi: Tôi phải làm gì để buộc con tôi phải trả mảnh đất này cho tôi để tôi an tâm lo dưỡng già?

Trả lời:
Căn cứ điều 14 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau: "Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân...". Do đó chúng tôi xác định ba thửa đất thổ cư tổng diện tích 564m2 mà vợ chồng bà tạo dựng được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng bà mặc dù chỉ có chồng bà đứng tên toàn bộ 3 thửa đất này.
          Căn cứ điều 17 Luật HN&GĐ nói trên quy định: "Khi một bên chết trước, nếu cần chia tài sản chung của vợ chồng thì chia đôi. Phần tài sản của người chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau". Theo dữ kiện bà nêu chồng bà đã mất do đó bà và các con sẽ là người được hưởng thừa kế, di sản thừa kế của chồng bà được xác định là một nửa trong khối tài sản chung theo quy định của pháp luật, phần tài sản còn lại thuộc quyền sở hữu của bà (282m2) và bà có toàn quyền đối với phần tài sản đó.
Như vậy theo quy định của pháp luật bà có quyền giữ lại mảnh đất để dưỡng già vì đó là tài sản thuộc sở hữu của bà. Còn hành động chiếm đoạt tài sản của con trai bà trong trường hợp hai mẹ con không tự thoả thuận hoà giải được thì bà có thể khởi kiện ra Toà án buộc con trai bà phải trả mảnh đất đó cho bà bằng một bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định tại khoản 2 điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự: "Những tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án".



Bạn muốn tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan. Hãy tham khảo các bài viết khác tại website chúng tôi hoặc gọi tổng đài tư vấn 1900 6279 để được luật sư tư vấn trực tiếp.

http://luatsuhcm.com/thuake/Quyen-yeu-cau-chia-thua-ke-cua-nguoi-vo-sau-khi-chong-mat-8/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét