Thân quen với 'quan' mới xin được việc ở cơ quan Nhà nước
Kết quả từ một cuộc khảo sát xã hội học quy mô lớn cho thấy, nhiều người dân cho rằng quan hệ thân quen với người có chức quyền là yếu tố quan trọng khi xin việc vào khu vực nhà nước.
Ngày 2/7, tại TP Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu lập pháp và Chương trình phát
triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức hội thảo báo cáo chỉ số quản trị
và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 - đo lường từ trải nghiệm
của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các
cấp chính quyền.
Người dân ở Đà Nẵng được hướng dẫn tra cứu thủ tục hành chính và chấm điểm công chức qua mạng. Ảnh: Nguyễn Đông |
Là khảo sát xã hội học quy mô toàn quốc, từ năm 2010 đến nay, nhóm điều
tra đã phỏng vấn trực tiếp 32.500 người dân với sáu trục nội dung: tham
gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải
trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và
cung ứng dịch vụ công.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Quảng Bình được người dân đánh giá
cao ở hầu hết trục nội dung, song cần cải thiện "kiểm soát tham nhũng".
Đà Nẵng cũng nằm trong nhóm dẫn đầu nhưng còn tồn tại điểm yếu về
"tham gia của người dân ở cấp cơ sở" và "công khai, minh bạch".
Tây Ninh có thứ hạng thấp ở cả hai năm 2011 và 2012 nhưng lại ghi điểm
cao ở trục "thủ tục hành chính công". Xếp cuối bảng là Khánh Hòa, tuy
nhiên địa phương này vẫn được người dân đánh giá khá hiệu quả ở nội dung
"cung ứng dịch vụ công".
Báo cáo chỉ số PAPI cho thấy, gần 80% người dân không biết gì về quy
hoạch sử dụng đất đai của địa phương, 17% được biết nhờ thông báo của
chính quyền và 3% biết qua nguồn tin khác. Thiếu
công khai, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nguyên nhân
dẫn tới nhũng nhiễu trong quản lý đất đai ở địa phương.
80% người dân cho biết họ không biết gì về quy hoạch sử dụng đất đai của địa phương mình. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông |
Theo báo cáo chỉ số PAPI,
gần 50% số người được hỏi cho biết quan hệ thân quen với người có chức
quyền là yếu tố quan trọng khi xin việc vào khu vực Nhà nước như vị trí
nhân viên, công an xã/phường, công chức địa chính, giáo viên trường tiểu
học công lập, công chức tư pháp. Tham
nhũng vặt và hối lộ là những vấn đề thường trực ở nhiều lĩnh vực và có
chiều hướng gia tăng khi người dân xin việc vào khu vực nhà nước, khám
chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện, làm thủ tục xin cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất.
Người dân lựa chọn không tố giác do cái
giá phải trả cho việc tố giác có thể lớn hoặc chưa tin vào hệ thống
pháp luật phòng, chống tham nhũng hiện nay có thể bảo vệ cho họ. Các địa
phương kiểm soát tham nhũng công thấp nhất là Điện Biên, Khánh Hòa, Lai
Châu, Ninh Thuận và Cao Bằng.
Cũng theo kết quả khảo sát, mức độ phổ biến và hiệu quả của Ban thanh
tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng khá mờ nhạt khi lần lượt
66% và 83% người dân được hỏi cho biết ở xã/phường của họ không có hoặc
không biết hai ban này tồn tại hay không.
Nguyễn Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét