Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Sơn Trà Đại ngàn giữa phố

Sơn Trà
 Đại ngàn giữa phố

Hoàn toàn có thể nói như vậy về vị trí của Sơn Trà đối với thành phố Đà Nẵng. Nếu trước đây muốn đến chân núi Sơn Trà, người Đà Nẵng phải đi gần 15 cây số từ trung tâm thành phố. Còn bây giờ, sau khi có cầu xoay Sông Hàn thì chỉ cần 5 cây số. Mai đây, khi cầu Thuận Phước bắc qua cửa biển vào ngay chân núi, khoảng cách rút xuống còn 5 phút chạy xe máy.
Đến chân núi thì gần, nhưng để đi hết cái ngọn núi có 3 đỉnh, đỉnh cao nhất là 696m so với mực nước biển, cần nhiều hơn một ngày mới có thể khám phá hết sự hoang dã và hùng vĩ của bán đảo này.
 

Bán đảo gần mà xa
Tuy ở gần một thành phố lớn nhưng qua bao thời kỳ, Sơn Trà luôn là “khu quân sự, cấm vào”. Đến bây giờ, Sơn Trà vẫn là một ngọn núi bí ẩn, rất nhiều người Đà Nẵng chưa một lần đặt chân đến. Trên đỉnh 350m, có một dàn ra-đa rất lớn của Mỹ trước 1975. Người Đà Nẵng thường kể nhau nghe rằng dàn ra-đa này rất nhạy, được người Mỹ gọi là “con mắt thần Đông Nam Á” vì tầm quan sát của nó có thể ra tới Hà Nội, đảo Hải Nam (Trung Quốc), sang đến tận Philippines, vào tới Bangkok. Không biết hư thực thế nào, chỉ có điều người Đà Nẵng biết chắc rằng trước 1975, khi đạn pháo của quân cách mạng tấn công vào sân bay, kho dầu thì còi báo động từ dàn ra-đa này phát ra trước khi có tiếng nổ vài giây đồng hồ. Cũng nghe kể rằng sau 1975, người Mỹ khi rút đi đã lấy theo một con chíp điện tử và dàn ra-đa này không hoạt động từ đó đến nay. Hiện nay, dàn ra-đa này hoang phế nhiều, tuy đã được rào kỹ, nhưng du khách vẫn không được vào. Nếu có thể biến nơi đây thành một điểm tham quan du lịch, chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách. Sau rất nhiều cố gắng của Đà Nẵng, Sơn Trà đã được đưa vào khai thác kinh doanh du lịch. Tuy vậy, vẫn còn một số khu vực có biển cấm.
Với diện tích khoảng 4.370 ha, Sơn Trà là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia. Cảnh vật thiên nhiên nơi đây rất quyến rũ. Từ chân núi lên đến đỉnh là 6km đường đèo quanh co nhưng độ dốc không cao lắm. Xe máy 2 người có thể đi thẳng mà không cần phải nghỉ cho mát máy. Từ độ cao đầu tiên ấy là bắt đầu 10km đường chạy dọc sống đỉnh núi, có nơi con đường như chạy trên sống lưng trâu, hai bên là hai vực biển sâu hun hút và đường chân trời thì mênh mông, chỉ cần một chút tưởng tượng sẽ thấy mình đang bay giữa biển khơi trên độ cao 600m. Điểm lý thú của con đường này là những đám sim mọc dày vào khoảng tháng 3, đến tháng 4 thì ra hoa tím ngát, còn đến tháng 7, tháng 9 thì… mời mọc khách qua đường nếm thử quả chín ngọt. Dừng lại, để xe dưới một bóng cây mát lạnh rồi thả bộ mà hái sim, sự đời như vứt hết xuống vực, kể cũng là điều lý thú khi dạo chơi trên đỉnh núi này.
Rừng già cứ thế mở ra, hoang vu và mát lạnh. Tiếng chim hót, tiếng mang tác, vượn hú cứ văng vẳng. Ít ai còn kịp nhớ rằng mình đang cách thành phố đông gần một triệu dân chỉ vài chục phút chạy xe, thậm chí chỉ quay đầu nhìn lại đã có thể thấy Đà Nẵng hiện ra rõ mồn một màu sơn, màu ngói của những mái nhà. Ở đó, con người đang ra sức chạy, chen nhau mà chạy. Và ta ở đây đứng nhìn, hoàn toàn có quyền để giả vờ làm một triết gia khi hỏi “Họ chạy đi đâu thế nhỉ?”. Thỉnh thoảng, có những mõm đá, bãi đất bằng nhoài ra vách núi. Người Mỹ ngày xưa cũng đã đổ bê tông xây những nhà nghỉ để ngắm cảnh, ngành du lịch và Bộ chỉ huy Thành đội cũng đang phối hợp để xây lại những vị trí này cho du khách dừng chân ngắm cảnh.
 
Nơi khám phá và nghỉ ngơi
Một ly cà phê giữa lồng lộng gió biển, mùa hạ sau cơn mưa dông, mùa đông khi gió bấc thổi, mây kéo đi từng luồng. Trong màn sương khói kéo đi ào ào và se lạnh ấy mà ngắm nhìn Đà Nẵng lung linh sắc màu đô thị, hẳn gợi nghĩ trăm điều. Phía bắc là Hải Vân và vịnh Đà Nẵng, phía tây là Bà Nà cao 1.500m, phía nam là Ngũ Hành Sơn trông bé như hòn non bộ, và cụm đảo Cù Lao Chàm thì như nằm hẳn trên mây, thoạt trông như một cõi bồng lai xa xôi. Thật hiếm có nơi nào ở nước ta vừa để ngắm thành phố, vừa ngắm rừng, lại vừa ngắm biển như trên núi Sơn Trà này. Còn khi bình minh hay hoàng hôn thì càng rực rỡ hơn. Cảnh trời cảnh nước huy hoàng mà cảnh ánh đèn thành phố trải dài như thảm sao dưới chân cũng lung linh không kém.
Sơn Trà vẫn còn giữ được 70% diện tích là rừng nguyên sinh, cây cối bao phủ xanh um, có đến 289 loài thực vật bậc cao thuộc 217 chi, 90 họ. Trong đó có những loài cây đặc hữu của bán đảo Đông Dương mà ngày nay chỉ còn tìm thấy ở đây. Có thể kể như: dầu lá láng, chò chai, chò chỉ, chò đen, sơn huyết, bài lái, trâm bầu, u xoáy, cầm thị, mắt ó, lồng mứt, giẻ sạn... cùng nhiều loại cây ăn trái như dâu hồng, sim, trâm...
Về động vật, Sơn Trà có đến 29 loài thú hoang dã, và có rất nhiều loài khỉ như: khỉ đuôi dài, chà vá, vá hoàng, vộc (voạc). Sơn Trà có 51 loài chim, tiêu biểu gồm: sơn ca, bạc má (khướu), gà rừng mặt đỏ, cu ngói, cu cườm, sáo đen, sáo sậu, nhông, sơn ca, chích choè... Có 15 loài bò sát như: trăn, rắn hổ mang, rắn lửa, rắn rồng, rùa núi, kỳ đà... Gần đây, khi các ngành kiểm soát bắt  những người buôn bán động vật hoang dã, đều đem các con vật đáng thương ấy thả vào rừng Sơn Trà. Điều này càng khiến hệ động vật  nơi này phong phú hơn. Những loài đặc chủng quý hiếm như gấu, trăn, chồn, tê tê, báo... của các vùng như Tây Nguyên, Nam bộ cũng đã có mặt ở đây và đang sinh sôi phát triển rất tốt.
Trong dáng nhoài người vươn ra biển, ba phía Sơn Trà dầm chân trong sóng biển tạo nên những ghềnh đá, bãi đá và rặng san hô - nơi sinh sống của nhiều đàn cá đủ màu sắc. Không cần phải lặn xuống biển, chỉ cần đứng trên các tảng đá mà nhìn cũng đã đáng công để làm một tour khám phá khác ven chân núi.
Với mục đích đưa bán đảo tuyệt đẹp này phục vụ ngày một nhiều hơn cho du lịch, chính quyền thành phố đã tiến hành quy hoạch lại khu vực này với một con đường lớn chạy ven theo chân núi, mở ra khả năng khai thác các bãi cát, các ghềnh đá như Bãi Rạng, Bãi Nồm, Bãi Nam, Bãi Bắc, Hòn Nghê... thành những khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp với hàng ngàn biệt thự sang trọng, tựa lưng vào vách núi, nằm ẩn trong rừng cây mà tầm nhìn thì mở ra mênh mông trời biển. Hầu hết các bãi đều có cát trắng sạch và suối nước ngọt, rất lý tưởng cho việc tắm biển, chèo thuyền, lướt sóng. Bãi Trẹm ngày nay được công ty TNHH du lịch và xây dựng Trường Phúc đầu tư và đưa vào khai thác gồm một nhà hàng và 10 nhà nghỉ trong tổng số dự kiến 40 nhà nghỉ cùng với 40 biệt thự.
Hùng vĩ và lãng mạn, phóng khoáng và tươi đẹp, hoang vu và hiện đại, một ngày ở Sơn Trà cho ta đủ các cảm giác của sự khám phá và cả nghỉ ngơi. Sơn Trà hoàn toàn có thể biến thành một sản phẩm du lịch độc đáo nếu Đà Nẵng và các nhà đầu tư biết khai thác bán đảo này một cách đa dạng chứ không phải chỉ có khách sạn hoặc resort.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét