Bất chấp nỗi đau con trẻ
Thứ Sáu, 12/07/2013 22:15
Tình yêu không còn, hôn nhân kết thúc nhưng vì tranh chấp tài sản sau ly hôn, họ lại đưa nhau ra tòa
Qua
mai mối, anh V.P.M (SN 1971, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) và chị T.L.N (SN
1971, ngụ tỉnh Tây Ninh) kết hôn từ năm 1996. Hạnh phúc của họ trọn vẹn
khi 2 đứa con - một trai, một gái - lần lượt chào đời. Thế nhưng, sau
13 năm chung sống, sóng gió bắt đầu nổi lên…
Minh họa: Zara
Chia tay
Theo
lời kể của N., sau khi kết hôn, anh đi làm ở cơ quan nhà nước, chị ở
nhà mở quán nhậu. Lương anh mang về chẳng bao nhiêu, trong khi lợi nhuận
từ kinh doanh của chị đủ để lo cho cuộc sống gia đình sung túc. Anh
quyết định nghỉ làm, ở nhà chăm sóc, đưa đón 2 con đi học.
Cũng
từ đây, cả 2 dần phát sinh mâu thuẫn bởi M. ghen tuông vô cớ, thường
xuyên chửi mắng, đánh đập, đuổi chị ra khỏi nhà. Thương con, chị nhiều
lần bỏ qua, cố gắng hàn gắn tình cảm gia đình. Thế nhưng, anh vẫn chứng
nào tật nấy, chị đành chọn giải pháp ly hôn.
Anh
M. thừa nhận vợ chồng có mâu thuẫn do chị N. không chung thủy, thiếu
quan tâm gia đình, bỏ bê con cái. Cuộc sống chung không hạnh phúc, anh
đồng ý với yêu cầu ly hôn của vợ.
Sau
nhiều lần hòa giải, cuối cùng, TAND quận Tân Phú đã chấp thuận cho họ
được ly hôn, giao 2 con (SN 1997 và 2001) cho anh trực tiếp nuôi dưỡng
theo nguyện vọng của trẻ. Ngoài ra, HĐXX còn tuyên mỗi bên được sở hữu
1/2 trị giá căn nhà. Do tiếp tục sử dụng nhà nên M. có trách nhiệm thanh
toán cho chị N. 1/2 giá trị là 2,2 tỉ đồng.
Tranh chấp tài sản
Anh
M. kháng cáo về phần tài sản, yêu cầu chia căn nhà thành 4 phần: vợ
chồng và 2 con, đồng thời đề nghị định giá lại giá trị căn nhà. Tại
phiên tòa phúc thẩm, anh lớn tiếng: "Căn nhà là của cha tôi cho tôi
trước khi kết hôn. Tôi không đồng ý chia 1/2 giá trị nhà đất cho cô ấy,
chỉ chấp nhận đưa khoảng 800 triệu đồng. Toàn bộ căn nhà là công sức của
tôi. Bây giờ tôi không nghề nghiệp, còn phải nuôi các con…".
Được
HĐXX mời lên, chị N. trình bày: "Trước đây, anh nghỉ làm để đưa đón các
con, một tay tôi chăm lo, quán xuyến kinh tế gia đình. Vật dụng trong
nhà hầu như do tôi mua sắm. Vợ chồng tôi còn có tiền tiết kiệm gửi ngân
hàng... Thương các con, tôi không muốn so đo. Chiếc xe SH tôi mua, tôi
cũng không lấy đi hay đòi chia, để anh ấy có phương tiện đưa đón con đi
học… Anh ấy nuôi con nên tôi không muốn tranh chấp, anh đưa tôi 1,5 tỉ
đồng cũng được. Còn anh nói đang thất nghiệp là không đúng, anh có cho
người ta thuê nhà mà…".
Vị
chủ tọa hỏi: "Định giá căn nhà mới đây chỉ có 2,488 tỉ đồng, chị nhận
1,244 tỉ đồng được không?". Suy nghĩ một lát, chị gật đầu đồng ý. Tuy
nhiên, anh không chấp nhận.
Vị
chủ tọa khuyên giải: "Tại phiên xử sơ thẩm, anh đã thừa nhận công sức
đóng góp của cả 2 vào việc tạo lập, duy trì, phát triển căn nhà là ngang
nhau. Bây giờ, chị đồng ý nhận 1,244 tỉ đồng, ít hơn so với bản án sơ
thẩm đã tuyên. Anh có thể xem xét mà đồng ý không? Đành rằng, anh chị
không còn yêu thương nhau nữa nhưng dù sao cũng từng là vợ chồng, tính
toán với nhau làm gì?".
Anh M. vẫn kiên quyết lắc đầu và nhìn chị N. hằn học: "Ai cũng làm cha, làm mẹ. Cô nói thương con chỉ là cái miệng thôi…".
Ngồi
lặng lẽ nơi hàng ghế phía sau, nghe cha mẹ tính toán chi li với nhau,
đứa con gái lớn của anh chị hết nhìn cha lại len lén nhìn mẹ, đôi mắt
ngân ngấn nước. Giờ nghị án, mỗi lần cha mẹ lớn tiếng, em lại hoảng sợ
cúi đầu, đôi tay đan vào nhau, trông đến tội nghiệp.
Tòa
tuyên bác kháng cáo. Trong tích tắc, em ngoái nhìn mẹ rồi nhanh chóng
cúi đầu theo cha ra về. Trầm tư nhìn theo con, chị N. đau đáu: "Tội
nghiệp con nhỏ, muốn nói chuyện với mẹ cũng không dám. Cha nó dữ quá, nó
sợ. Mỗi lần tới thăm con, tôi lén lút như đi ăn trộm, phải canh lúc nào
không có ông ấy mới dám gặp hai đứa nhỏ. Ông bắt gặp là quát mắng, xua
đuổi".
Cuộc chia tay của cha mẹ là
một cú sốc rất lớn, khiến trẻ luôn mang nặng mặc cảm về một gia đình
không trọn vẹn. Lẽ nào họ lại làm cho vết thương lòng con trẻ thêm nặng
nề bởi những ngôn từ không tốt đẹp về nhau?
Hãy yêu thương con nhiều hơn
Trao
đổi với chúng tôi, một luật sư từng tham gia nhiều vụ án ly hôn nói:
"Nếu ly hôn là điều không thể tránh khỏi, cha mẹ hãy yêu thương, nâng đỡ
con nhiều hơn, cố gắng hết mức có thể để những di chứng hậu ly hôn
không tác động nhiều đến con. Bởi lẽ, con trẻ hoàn toàn vô tội nhưng lại
chịu mất mát nhiều nhất trong cuộc chia tay này. Đã có nhiều vụ án liên
quan đến trẻ vị thành niên phạm tội mà xuất phát điểm là sự bất mãn,
hụt hẫng và hoang mang từ cuộc ly hôn rồi xem nhau như kẻ thù của đấng
sinh thành".
|
Kha MiênGôc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét