Tránh lợi dụng quy định để thu hồi đất
17/06/2013 20:41 (GMT + 7)
TTO - Ngày 17-6, Quốc hội đã thảo luận tại
hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đất
đai (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý là việc thu hồi đất
và bồi thường cho người bị thu hồi đất.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định các
trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc
gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội…
Quy định chặt chẽ hơn
Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề
nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn để chứng minh các dự án thực sự
vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… tránh trường lợi dụng quy định
này để thu hồi đất.
Tán thành với quan điểm đất là tài nguyên, tư liệu sản
xuất đặc biệt thuộc sở hữu toàn dân, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy thống
nhất với quan điểm thu hồi đất được quy định tại Chương 6.
Tuy nhiên theo đại biểu đối với các trường hợp thu hồi
đất có nhà và các tài sản khác gắn liền với đất ở thì nhà nước cần phải
trưng mua. Lý giải vấn đề này, đại biểu cho rằng nhà ở và tài sản khác
là tài sản của dân thì nhà nước không thể thu hồi và càng không thể coi
đây là tài sản bồi thường.
Đại biểu đề nghị quy định cụ thể trong luật Nhà nước
thu hồi đất và trưng mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thuộc các
trường hợp sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc
gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)
cũng cho rằng đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công
trình kiến trúc là tài sản thuộc sở hữu của người dân, không phải sở hữu
Nhà nước.
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý khi
quy định thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhân dân. Đại
biểu nhấn mạnh cần bảo đảm hài hòa mục tiêu thu hồi đất để phát triển
kinh tế-xã hội với an dân. Nếu coi nhẹ vấn đề an dân thì mục tiêu phát
triển kinh tế-xã hội sẽ khó đạt được, gây khiếu kiện, tranh chấp, phức
tạp trong xã hội.
Cần quy định đặc thù
Đánh giá việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà
nước thu hồi đất chính là mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất
đai, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề xuất cần sửa đổi toàn diện các quy định
về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Khi tính
toán bồi thường tái định cư cần quan tâm kế sinh nhai của người có đất
bị thu hồi; có những quy định đặc thù áp dụng với các đối tượng như
người già, người hết tuổi lao động.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu áp dụng cơ chế công bằng:
đất đổi đất, nhà đổi nhà; người dân không phải bỏ thêm tiền, đồng thời
nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi
ở mới; nâng mức hỗ trợ cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, bắt
buộc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người nông dân sau khi thu hồi
đất.
Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích trên
thực tế các dự án phát triển kinh tế- xã hội để các chủ đầu tư tự thỏa
thuận với người dân về giá sẽ khó thực hiện, ảnh hưởng đến mục tiêu phát
triển kinh tế- xã hội. Để thuận lợi trong việc thu hồi đất nhằm mục
dích phát riển kinh tế- xã hội, tạo sự đồng thuận của người dân có đất
trong dự án, đại biểu tán thành thống nhất tư vấn định giá đất theo
nguyên tắc, phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 110 của dự
thảo Luật. Giá đất khi xây dựng phải phù hợp với giá đất phổ biến trên
thị trường của các loại đất có cùng mục đích sử dụng.
Theo đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông), phương án
bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cần có nhiều hình thức trả bồi
thường, có thể một lần, có thể hằng tháng, cơ quan chi trả phải là cơ
quan Nhà nước và có tính yếu tố trượt giá bồi thường
NHÓM PHÓNG VIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét