Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Tại sao người ta hành xử tàn ác?

Tại sao người ta hành xử tàn ác? nhấp vào đây xe video ngày trở về của một thương binh In
Thứ ba, 15 Tháng 5 2012 23:15
http://www.blogcdn.com/www.asylum.com/media/2010/09/stanford-prison-experiment-240-1285878539.jpgMãi đến hôm nay, tôi mới có thì giờ nhìn qua những clip video được lưu truyền trên mạng về vụ “cưỡng chế” đất ở Văn Giang. Tôi thật sự sốc trước cảnh nhân viên công lực vây đánh hai phóng viên của đài VOV. Càng sốc hơn khi thấy đoạn phim quay chậm cho thấy công an đấm đá một người phụ nữ chẳng có gì để tránh những đòn hành hung hội đồng. Thật không thể tưởng tượng nổi tại sao người ta lại hành xử một cách bạo động và có thể nói là ác ôn với người dân như thế. Nhưng sự việc làm tôi nhớ đến một thí nghiệm tâm lí đã tròn 40 năm …

Những cảnh đánh đấm trong những clip phim được lưu truyền trên mạng chỉ có thể nói là dã man. Đúng như một blogger (JB Nguyễn Hữu Vinh) mô tả, “đánh dân như chớp, đánh tàn bạo, đánh như đòn thù. Chắc ngày xưa lính Mĩ các chú cũng không đánh được sướng như bây giờ.” Đánh cho sướng! Tức là hành động sadistic rồi. Thật là một nhận xét ấn tượng! Và, có lẽ cũng chính xác.
Nhưng trước một sự việc, có lẽ chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao: tại sao những nhân viên công lực này tỏ ra tàn ác như thế? Tôi nghĩ những người cầm dùi cui, súng, hay hung khí nói chung trong tay cũng là những con người bình thường. Bình thường hiểu theo nghĩa cũng có gia đình, có cha, có mẹ, có anh chị em. Một số người chắc cũng có vợ con. Họ nghĩ gì nếu đồng nghiệp của họ ra tay đánh người thân của họ? Chắc chắn họ sẽ giận dữ và không chừng đòi trả thù. Nếu thế thì họ cũng chỉ là những con người có tình cảm, nhận thức được cái đúng, và biết căm ghét cái sai, cái ác. Vậy thì tại sao chính họ lại hành xử với người đồng hương mình như là những kẻ thù, và ra tay đánh đập một cách không nương tay, đánh để sướng tay?
Tôi nghĩ câu trả lời có lẽ nằm trong kết quả của một thí nghiệm tâm lí rất nổi tiếng vào năm 1971. Đó là thí nghiệm nhà tù Stanford (Stanford Prison Experiment). Kết quả thí nghiệm này có thể giải thích tại sao các quản giáo Mĩ hành xử một cách độc ác với các tù nhân ở trại giam Abu Ghraib. Và, theo tôi, kết quả cũng có thể giải thích tại sao những người công an tham gia cưởng chế đất đai ở Văn Giang hành xử tàn bạo với người dân.
Phương pháp và diễn tiến của thí nghiệm nhà tù Stanford có thể đọc ở đây. Một cách ngắn gọn, Giáo sư Philip Zimbardo (lúc đó là một giáo sư trẻ) tuyển chọn 24 sinh viên, và chia thành 2 nhóm một cách ngẫu nhiên: nhóm 1 gồm 12 người được giao nhiệm vụ quản giáo, và nhóm còn lại đóng vai tù nhân. Một nhà tù giả được thiết kế phía ở tầng trệt của khoa tâm lí thuộc Đại học Stanford. Quản giáo được trao toàn quyền, muốn làm gì thì làm, nhưng không được huấn luyện cách hành xử. Còn tù nhân, khi vào nhà tù, bị quản giáo khám xét, “bắt rận”, thậm chí bắt cởi truồng.
Nhưng thí nghiệm phải ngưng trước thời hạn vì những hành xử tàn bạo của quản giáo và rối loạn tâm thần của tù nhân. Thời gian thí nghiệm dự kiến là 2 tuần, nhưng đến ngày thứ 6 thì phải ngưng. Thật ra, chỉ sau một ngày rưởi, một tù nhân có triệu chứng rối loạn cảm tính, như la khóc, tỏ ra mất bình tĩnh, và suy nghĩ bất bình thường. Tất cả tù nhân đều tỏ ra ngoan ngoãn tuân theo lệnh của quản giáo. Trong khi đó, các quản giáo càng ngày càng tỏ ra hung dữ, tàn ác, và có hành động sadistic (tức tỏ ra thích thú với những đòn tra tấn tàn ác). Đến ngày thứ năm thì gia đình của các tình nguyện viên đặt vấn đề với Gs Zimbardo, và luật sư cũng doạ sẽ kiện ra toà, thì công trình nghiên cứu phải ngưng. Phần lớn những đối tượng tham gia nghiên cứu, quản giáo cũng như tù nhân, đều tỏ ra có vấn đề về tâm lí và tâm thần sau khi tham gia thí nghiệm.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy người thường có thể trở nên ác ôn vì môi trường chứ không phải vì bẩm sinh. Con người có xu hướng tuân thủ, ngay cả sẵn sàng tuân thủ làm những việc ác ôn. Các nhà nghiên cứu diễn giải kết quả nghiên cứu rằng người bình thường có thể trở nên những kẻ ác ôn nếu được trang bị bằng một ý thức hệ hay giáo điều nào đó. Họ kết luận rằng tình huống và môi trường là nguyên nhân làm cho người tốt trở nên người ác. Kết quả nghiên cứu này không bao giờ được công bố trên một tập san khoa học nào cả, vì nhiều người chỉ ra rằng nghiên cứu có vấn đề về y đức. Không tập san nào dám công bố kết quả nếu nghiên cứu không đáp ứng những tiêu chuẩn về y đức.
Sau công trình nghiên cứu lịch sử (và có thể nói là khá “tai tiếng”) trên, Gs Zimbardo nổi tiếng trong giới tâm lí học như là người tiên phong trong việc giải thích những biến chuyển trong hành động của con người. Có người gọi ông là “evil scientist”, vì đã tạo ra một thí nghiệm để “chứng minh” rằng con người bình thường có thể trở nên ác ôn, và cái ác có thể thắng cái thiện nếu được trang bị bằng một ý thức hệ. Sau này, ông còn được Quốc hội Mĩ mời để điều trần về những bạo loạn trong nhà tù. Những hành động tàn ác với tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib cũng có thể giải thích qua kết quả thí nghiệm của Zimbardo.


Quay lại sự việc các nhân viên công lực hành xử tàn ác với người dân ở Văn Giang, tôi nghĩ cũng có thể giải thích qua kết quả thí nghiệm tâm lí của Gs Zimbardo. Những người công an này cũng như bất cứ ai trong chúng ta (tức cũng biết phải trái, nhận thức được cái đúng cái sai), nhưng theo Zimbardo, vì ở trong môi trường giáo điều và được trang bị bằng ý thức hệ địch – ta, nên họ nhìn người dân mất đất như là những kẻ thù, và tự họ biến thành những người ác ôn mà có lẽ chính họ cũng không nhận ra ngay lúc vung tay hành hung người khác. Nói cách khác, những người công an này bị “phơi nhiễm” (exposed) bởi những giáo điều độc hại nào đó, nên cái ác thắng thế cái thiện và dẫn đến những hành động mà chúng ta thấy trong các clip video mang tính lịch sử.
Trong những năm cuối đời, Zimbardo cố gắng làm một thí nghiệm khác có ý nghĩa tích cực hơn. Ông muốn biến người bình thường thành những anh hùng. Ông lập ra dự án có tên là Heoric Imagination Project (HIP), với khung khái niệm rằng anh hùng không phải là những người phi thường; họ chỉ là những người bình thường nhưng làm việc phi thường, họ bước ra khỏi cái bình thường để làm điều có ích cho xã hội. Ông lập một lớp học để dạy những đức tính anh hùng (hay chủ nghĩa anh hùng – heroism) cho học sinh. Trong lớp học này, ông muốn dạy học sinh tách ra khỏi những đám đông hành xử ác ôn. Tôi nghĩ hành động anh hùng đó có thể tìm thấy ngay ở người lính thầy thuốc của trại giam Thanh Hà khi anh tuyên bố “Hãy để cho anh đưa Bùi Minh Hằng về nhà một cách an toàn rồi anh sẽ cởi bỏ bộ quân phục đang mặc” (xem "Văn giang khôn nguôi"). Có lẽ một dự án HIP cũng cần thiết cho giới công an và các quản giáo của các trại giam trên toàn quốc.


Anh xin đưa em đi đến cuối cuộc đời

Anh xin đưa em đi đến cuối cuộc đời
                
Khi gả về nhà anh, chị mười sáu, anh lên năm tuổi.
Anh là con độc đinh, cha mẹ quý hơn vàng, chỉ tiếc anh quá nhiều bệnh tật.

 
1. Cảnh nghèo

Ông nội ở ngoài buôn bán nhỏ, gom được tí tiền. Bà nội tin Phật, một lòng thành kính, một lần bà nội xin được một quẻ xăm giữa miếu ngụt khói hương, nói phải cưới một cô vợ hơn tuổi cho thằng cháu đích tôn thì nó mới qua được vận hạn.
Bà nội đương nhiên tin vào lời Phật dạy chúng sinh nơi khói hương vòng quanh chuông chùa ngân nga, bởi thế ông bà nội bàn tính, đưa lễ hậu, kháo tin quanh vùng tìm mối nhân duyên cho anh.
Nhà chị năm miệng ăn, trông vào mấy sào ruộng bạc màu, chỉ đủ miếng cháo, mùa đông, cha chị vì muốn kiếm thêm ít đồng ra đồng vào, theo người ta lên núi đập đá, tiền chưa kiếm được, nhưng bị đá vỡ dập lưng, tiêu hết cả gia sản, bán sạch cả lương thực, bệnh không khỏi.
Hằng ngày cha chị chỉ có thể nằm trên giường, muốn chết mà chẳng chết cho. Hai đứa em trai còn chưa đủ tuổi lớn. Nỗi khổ sở của gia đình, nỗi ai oán của mẹ, làm những năm thời con gái của chị mang một gánh nặng tâm tư.
Vì thế bà mối đến, réo rắt: "Gả cô nhà đi, tiền thì để dưỡng bệnh cho cha,
còn đỡ đần được tiền tiêu trong nhà".
Mẹ chị lắc đầu, nào có ai muốn đẩy đứa con gái thơ dại của mình vào lò lửa? Nhưng chị xin: "Mẹ, cho con đi nhé, chỗ tiền ấy có lẽ chữa khỏi cho cha!".
Tiếng kèn đón dâu thổi váng đầu ngõ trước ngôi nhà nhỏ của chị.
Bố chị nằm trên giường tự đấm ngực mình; Con gái phải đem đổi tuổi thanh xuân, chấp nhận lấy một người chả xứng với mình chỉ vì cứu tôi và cứu gia đình này thôi ư!
Mẹ chị chảy nước mắt, tự tay mình cài lên tóc con gái cây trâm gài.
Chị mặc áo đỏ đi giày thêu cúi lạy cha mẹ, tự buông tấm khăn đỏ che đầu mình, nước mắt lúc đó mới chảy ra, trộn phấn má hồng.
Từ đó, số phận cuộc đời chị và hôn nhân giao cả về tay một đứa con nít vô tri.
2. Cười xót xa

Bà mẹ chồng trẻ tuổi không phải là người khắt khe khó tính, bố chồng ở xa cũng chẳng cần chị tam khấu cửu bái, lạy chào dạ vâng.
Anh vâng lời mẹ gọi chị là chị gái.
Hằng ngày, chị ngoài việc giúp mẹ chồng chăm ruộng rau và làm xong việc nhà, thì cắt thuốc cho chồng, sắc thuốc, may áo cho chồng, giặt giũ, cho chồng chơi, cho chồng ngủ, có lúc, anh ho suốt đêm, sốt cao, chị thức cả đêm
chườm khăn hạ sốt, cho anh uống nước, uống thuốc.
Trong tim chị, chị coi anh như một đứa em trai.
Hàng xóm láng giềng gặp chị, chị thường cúi đầu lặng lẽ, không nói, vội vã đi qua. Không biết là ứng với quẻ xăm của Phật, hay nhờ chính sức mình mà anh vượt qua được bệnh tật, dưới sự chăm chút của chị, anh lần lượt chiến thắng mọi cơn bệnh tật lớn nhỏ: Ho gà, viêm màng não, lở loét v.v...
Dần dà, những tình cảm anh dành cho chị vượt quá tình cảm dành cho mẹ mình. Giữa những kẽ hở lúc bận rộn, hoặc khi anh đã ngủ say, chị thường khóc nước mắt nóng rồi thờ thẫn tự hỏi mình:
 "Đây là hôn nhân của mình ư, đây là chồng của mình ư?".
Đến tuổi đi học, chị may cho anh một chiếc túi xách, dắt tay anh đến lớp. Những đứa trẻ trong và ngoài thôn thường vây lấy chị hát to:
"Cô con dâu, cô con dâu, làm cái gì? Tắt đèn, thổi nến, lên giường..."
Chị không biết trong lòng mình là nỗi đau hay nỗi buồn, cúi gằm xuống, mặt đỏ lên rồi trắng bệch, trắng rồi đỏ. Một buổi tối, anh nằm trong chăn nói:
"Chị ơi, em yêu chị!".Chị lại là vợ. Vợ lại là chị. Chị nhìn gương mặt ngây thơ non nớt của anh, im lặng. Lần đầu tiên chị cười đau khổ.
3. An ủi nhỏ nhoi
Cha anh ở ngoài buôn bán nhiễm phải thói cờ bạc, chỉ vài ngày mà thua sạch bách bao gia sản tích cóp khổ sở lâu nay.
Sau khi bố mẹ chồng chửi bới cãi vã ầm trời, bố chồng chị dứt áo bỏ nhà ra đi, từ đó không ai gặp lại ông nữa, nghe người ta nói khi đó ông bị lính bắt đi làm phu. Lúc đó trên người mẹ chồng chị còn vài thứ trang sức, cầm đi đổi lấy vài đồng tiền.
Mẹ chồng và chị bàn nhau mua lấy ba mẫu đất. Không thể mượn người làm nữa rồi, mẹ chồng con dâu xoay ra xắn ống quần lên lội ruộng, ngày còn ở nhà chị từ nhỏ đã giúp cha mẹ làm ruộng, khổ sở gì chị cũng đã nếm trải qua.
Chỉ khổ cho bà mẹ chồng chị xưa nay chưa từng phải trồng lúa bao giờ.
Một nhà vốn giàu có bỗng chốc hóa bần cùng, đàn ông bỏ đi không tăm tích, bà mẹ chồng vừa đau vừa hận, lại thêm việc làm ruộng nặng nhọc, làm bà kiệt quệ, ốm rồi không dậy nổi.
Trước lúc lâm chung, bà kéo tay chị, gần như van vỉ nói:"Nó hãy còn nhỏ dại, xin cô chăm sóc nó, nếu cô muốn ra đi, xin hãy đợi lúc nó trưởng thành".Chị nắm chặt tay anh. Từ đó, số mệnh của anh lại bị chị dắt đi.
Chị là người phụ nữ trọng tình nghĩa, chưa từng hứa gì, nhưng chị vẫn cùng anh như cũ. Từ đó về sau, ngay cả chính chị cũng không nhận ra mình rốt cuộc là vợ, là chị hay là mẹ của anh?
Chị quần quật không ngày không đêm, làm việc để anh tiếp tục đi học.
Cuộc sống của họ trôi qua khổ nhọc nhưng bình lặng giữa tình chị em sâu nặng, tình yêu bao la như tình mẫu tử bền chặt.
Khi anh tốt nghiệp trung học thi đỗ vào một trường Đại học Sư phạm, chị thay anh thu xếp hành lý, lại một lần nữa đưa anh tới trường.
Chị nhìn cậu con trai trẻ măng vừa qua tuổi dậy thì, do chính tay mình nuôi lớn từ nhỏ đến giờ, chị chỉ dặn anh hãy cố mà học hành, ngoài ra chị không nói thêm điều gì nữa.
Nhưng anh vẫn nói: "Chị, chờ tôi quay về nhé!".
Tim chị đập nhẹ một nhịp, nhưng mặt vẫn bình thường, có điều khóe miệng ẩn một nụ cười hân hoan rất nhẹ mà người khác khó nhìn thấy. Khóe cười ấy không phải vì câu nói của anh, mà vì những gì chị bỏ ra, đã được đáp đền lần đầu.
4. Kiếp này

Chị vẫn làm ruộng như trước, nhịn ăn nhịn mặc dành tiền gửi đi.
Hai năm đầu, nghỉ hè và nghỉ Tết anh đều về quê giúp chị làm việc.
Nhưng năm thứ ba đại học, anh viết thư về nói: Chị đừng gửi tiền nữa.
Và kỳ nghỉ tôi cũng không về nữa đâu. Tôi muốn ra ngoài kiếm việc làm thêm, đỡ gánh nặng cho chị.
Lúc đó chị đã 29 tuổi.
Ở quê, người như chị đã là mẹ của mấy đứa con. Người trong làng đều bảo, chị nuôi anh lớn khôn, lại còn cho anh thoát ly đi học, thế coi như là đã quá tốt với anh rồi, chị già hơn anh mười một tuổi, thôi đừng chờ chồng nữa.
Bây giờ anh đã đi xa, ở ngoài thế giới bao nhiêu xanh đỏ tím vàng, biết chồng mình có về nữa hay là không về nữa!
Chị cũng không biết trong lòng mình là đang thủ tiết, giữ đạo phu thê: Dù sao thì mười mấy năm trước chị cũng là một cô dâu gả cưới đàng hoàng về nhà anh; hay là mình đang vì câu nói trước ngày anh lên đường đi xa: "Chị, chờ tôi quay về nhé!"; hay là chị đang lo âu như người mẹ không yên tâm về đứa con nhỏ của mình đang ở xa; chị cứ chờ.
Chị cứ giữ sự yên tĩnh và ít lời như mấy chục năm nay đã từng.
Cuối cùng cũng đã đến lúc anh tốt nghiệp. Anh quay về.
Anh đã là một người đàn ông trưởng thành có phong cách và khí chất,
dáng dấp một người đàn ông nho nhã hiểu biết.
Còn chị, dãi nắng dầm sương, gương mặt nhọc nhằn lao khổ đã sớm bay hết những nét đẹp thời trẻ, là một người đàn bà nhà quê đích thực.
Trong lòng chị chỉ còn coi anh là một đứa em trai thân yêu.
Chị không dám ngờ anh đã nói với chị:
"Chị, tôi đã trưởng thành, giờ chúng ta có thể thành thân!".
Chị nhìn anh, như đang nằm mơ, chị sợ mình đang nghe nhầm. Anh cũng là một người đàn ông trọng tình trọng nghĩa như chị?
Chị cười, tự đáy lòng dâng lên miệng cười rạng rỡ, cũng để rơi xuống những giọt nước mắt đẹp đẽ nhất đời người.
5. Xin lỗi

Anh ở lại thị trấn dạy học, chị ở nhà làm ruộng.
Họ có với nhau một con trai một con gái.
Sau này, anh đến khu mỏ dầu dạy học, lên chức hiệu trưởng một trường Trung học nhờ vào bằng cấp và kinh nghiệm dạy học của mình.
Vì hộ khẩu, con cái vẫn để ở nhà cho chị nuôi nấng.
Sau khi nhập được hộ khẩu, anh về quê đưa vợ con lên trường.
Các giáo viên trong trường đến giúp hiệu trưởng dọn nhà.
Có một giáo viên bộc tuệch chạy ra nói:
"Hiệu trưởng, sao anh đón mẹ và em trai lên ở mà không đón cả chị nhà và các cháu luôn?".
Một sự im lặng bao trùm, mọi người đều ngoái đầu nhìn chị.
Lúc ấy, mặt chị sượng trân trân, không biết nên nói gì, chị cười méo mó, nhìn anh biết lỗi.
Anh ngoái đầu nhìn chị, nói với tất cả mọi người với giọng chắc nịch:"Chị các chú đây. Có cô ấy mới có tôi ngày hôm nay, thậm chí cả tính mạng tôi".Chị nghe anh nói, mắt chị dâng lên toàn là nước mắt.6. Năm tháng như bài ca, tình yêu như ngọn lửa
Bây giờ chị đã bảy mươi hai, vì làm việc nặng nhọc quá nhiều, sức khoẻ kém, bệnh phong thấp làm chị đi tập tễnh. Anh sáu mươi mốt, đã về hưu từ lâu.
Hai năm nay họ dọn về khu nhà này ở, nếu hôm nào trời không mưa gió, hoặc ngày quá lạnh, đều có thể gặp bóng dáng họ ở khu sân chơi, bồn hoa; chị nắm gậy chống, anh đỡ một bên, đi chậm chạp từng bước một về phía trước, như đang dìu một đứa trẻ tập đi, chăm sóc như thế, ân cần như thế.
Những người biết chuyện của họ đều nhìn theo, cảm động bởi mối tình sâu nặng và bền chặt của anh và chị, mang nghĩa đủ tình đầy đi dọc một kiếp người. Anh nói:
"Cô ấy mang cho tôi sinh mệnh, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành nửa cuối đời tôi chăm sóc cô ấy".Anh dắt tay chị, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười, đẹp như nét mây chiều êm ái nơi chân trời mùa hạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét