Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Đoàn Văn Vươn tự bào chữa! Hơn cả tuyệt vời.

Đoàn Văn Vươn tự bào chữa! Hơn cả tuyệt vời.


Cuối phiên xử buổi sáng, HĐXX dành thời gian cho các bị cáo tự bào chữa cho mình.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn nói rằng, không đồng tình với bản luận tội của đại diện VKS. Bản giám định thương tích của các bị hại chưa đưa ra chứng cứ quan trọng. Đó là, lực lượng người bị hại là lực lượng đi làm công vụ, do đó nếu họ bị tổn hại trên 21% sức lao động sẽ phải chứng thực là thương binh, còn dưới 21% là thương tật nhưng kết luận điều tra, cáo trạng không có.
Đoàn Văn Vươn khẳng định: khi nhồi thuốc vào tút đạn, Vươn đã chỉ đạo Quý không được nhồi vào loại tút đạn 8,5mm mà chỉ được nhồi vào tút đạn 2,5 – 3mm để tránh gây chết người. 

 
Trong khi đó, vết thương giám định của các bị hại là đầu đạn 5,5mm.
Đoàn Văn Vươn khai thêm trước tòa về chi tiết, tại thời điểm xảy ra cưỡng chế có sự xuất hiện của 28 cảnh sát cơ động.
Bị cáo đã viện dẫn nhiều điều khoản trong Luật Đất đai, Luật Khiếu nại Tố cáo… phân tích QĐ cưỡng chế thu hồi đầm bãi do UBND huyện Tiên Lãng ban hành là vi hiến và trái pháp luật.
Ông Vươn cũng đề nghị HĐXX công bố bản cung, bản tường trình ngày 8-9/1/2012 do ông Vươn khai tại cơ quan điều tra.
Các bị cáo Phạm Thị Báu, Nguyễn Thị Thương phản đối bản luận tội của VKS, đồng tình với các luật sư bào chữa.
Đến 11h30 phút, luật sư Dương Văn Thành bào chữa cho các bị hại.
Hơn 12h trưa, phiên tòa buổi sáng ngày 4.4 kết thúc.



Thứ tư, ngày 03 tháng tư năm 2013



NGHĨ VỀ PHIÊN TÒA XÉT XỬ ĐOÀN VĂN VƯƠN





Đoàn Văn Vươn không ý thức chống lại những người thi hành công vụ mà chỉ chống lại những người làm sai pháp luật để bảo vệ tài sản và tính mạng những người thân trong gia đình mình. Hành động này là chính đáng, được luật pháp bảo hộ.
Về “chủ thể”, ông Đoàn Văn Vươn là một công dân không có tiền án, tiền sự, đã từng là người lính cầm súng bảo vệ tổ quốc. Ông Đoàn Văn Vươn được pháp luật bảo hộ về “ quyền bất khả xâm phạm nhà ở, tính mạng tài sản…”. Về “khách quan”, căn cứ luật đất đai, những người thi hành lệnh cưỡng chế hoàn toàn làm sai pháp luật ( đã được thủ tướng chính phủ kết luận). Về “chủ quan”, ông Đoàn Văn Vươn không ý thức chống lại những người thi hành công vụ mà chỉ chống lại những người làm sai pháp luật để bảo vệ tài sản và tính mạng những người thân trong gia đình mình. Hành động này là chính đáng, được luật pháp bảo hộ. Bởi thế, hành động của ông Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình ông không có cơ sở cấu thành tội “chống thi hành công vụ”
Pháp luật phải nghiêm minh mới có tác dụng răn đe những kẻ cậy quyền cậy thế, coi pháp luật là của riêng nhà mình, tự ý ra lệnh xua những những chàng thanh niên xông vào chỗ chết, phản bội lại cha ông, làm tổn hại đến lòng tin yêu của nhân dân với Đảng Bác Hồ.
Có một điều đáng buồn là “người ta” chỉ nghĩ đến định tội danh cho ông Đoàn Văn Vươn mà không định tội danh cho những người lãnh đạo chỉ huy lực lượng xâm phạm trái pháp luật quyền bất khả xâm phạm nơi ở và cố ý hủy hoại tài sản nhà ông Vươn? Về luật, họ hoàn toàn có đủ căn cứ phạm tội! Hay họ quan niệm chỉ những thằng dân đen mới có tội?
Cuộc cưỡng chế dân bằng lực lượng vũ trang ở Cống Rộc – Tiên Lãng được một trong những nhân vật điều hành chủ chốt coi là hiệp đồng cực kỳ hay, một trận đánh đẹp, có thể viết thành sách… Một mình câu nói này tự nó đã cho thấy: Chủ trương trấn áp này đến từ đâu, cấp nào, quy mô hình thành ra sao, mức độ nghiêm trọng của sự việc trấn áp… Câu nói này toát lên hơi hướng hay linh hồn của toàn bộ công vụ cưỡng chế theo luật ở Cống Rộc – Tiên Lãng. Riêng một câu nói này, cùng với sự chấp nhận, hưởng ứng, tán thành hay biện minh, bao che… của các cộng sự, còn cho thấy mức độ sa đọa nghiêm trọng về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức và văn hóa của những cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã chỉ đạo hay đã nhân danh pháp luật trực tiếp thực thi công vụ này. Sự phấn khích bột phát ra từ câu nói này thật ghê sợ. Không thể không đặt ra câu hỏi: Phẩm chất đảng viên ĐCSVN như thế nào, đạo đức cán bộ là công bộc của dân ra sao nằm trong phát ngôn như vậy?
Cuộc sống cho thấy một chế độ chính trị dù là ở quốc gia nào, một khi để cho nội tình đất nước diễn biến tới mức chỉ còn nói chuyện được với nhau bằng vũ lực, dù là từ phía người dân hay từ phía chính quyền, chế độ ấy đang hướng tới giờ cáo chung.  Trong trường hợp sự kiện Đoàn Văn Vươn không được xử lý trọn vẹn, sớm muộn sẽ dẫn tới những bùng nổ nguy hiểm mới, lúc nào đó luật đời sẽ đứng ra tự xử theo cái lẽ “cùng tắc biến”. Cho dù vụ nổ súng hoa cải và mìn bình ga của Đoàn Văn Vươn rồi đây sẽ được xử đúng xử sai như thế nào, nạn nhân-tội phạm Đoàn Văn Vươn đã tự khắc tên mình vào một cột mốc trên chặng đường đau khổ đất nước đang đi hôm nay.

(Phan Tất Thành muốn các bạn cùng suy nghĩ)


Toàn văn kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên lãng.





Sau khi nghe báo cáo tổng hợp chung của Văn phòng Chính phủ và các ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau:
I. Những năm qua, chính sách pháp luật về đất đai có rất nhiều thay đổi. Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai đã được ban hành mới 3 lần (1987, 1993, 2003) và sửa đổi 2 lần (1998, 2001). Hàng trăm văn bản dưới luật cũng được ban hành, sửa đổi nhưng vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, thậm chí trùng chéo, mâu thuẫn.
Trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế trong khi đất đai đang biến động rất nhanh, văn bản pháp luật về đất đai lại rất nhiều và phức tạp, nên công tác quản lý đất đai trong cả nước còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý và sử dụng đất đai chưa được điều chỉnh và xử lý kịp thời; khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% tổng số vụ khiếu kiện và có nhiều vụ việc kéo dài.
Trong những năm qua, cấp uỷ, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, không ngừng nâng cao hiệu qủa sử dụng đất nói chung và đất bồi ven biển nói riêng, góp phần phát triển KTXH khá nhanh và toàn diện, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Đối với ông Đoàn Văn Vươn chính quyền địa phương đã giao đất, kể cả giao bổ sung phần đất lấn chiếm sau khi đã xử phạt hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho ông Vươn đầu tư tôn tạo, nuôi trồng thủy sản trên diện tích đất được giao.
Tuy nhiên, UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã có những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn như sau:
1. Việc giao đất, thu hồi đất
- Quyết định số 447/QĐ-UB ngày 4 tháng 10 năm 1993 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng giao 21 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn là phù hợp với quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm ban hành.
Quyết định số 220/QĐ-UB ngày 9 tháng 4 năm 1997 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng giao bổ sung 19,3 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản với thời hạn 14 năm, tính từ ngày 4 tháng 10 năm 1993 là đúng thẩm quyền và phù hợp với thực tế sử dụng đất. Tuy nhiên quyết định này không đúng với quy định của pháp luật đất đai về giao đất, cho thuê đất; về thời hạn giao đất và thời điểm tính thời hạn giao đất.
- Các Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 23/4/2008, Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng là không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Nghị Định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003.
2. Việc cưỡng chế thu hồi đất
Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm.
3. Việc phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn
Việc Lãnh đạo chính quyền địa phương chỉ đạo phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cần phải được khởi tố, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh.
II. Thủ tướng hoan nghênh việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận khuyết điểm, trách nhiệm và đã lãnh đạo, chỉ đạo cần thiết đối với vụ việc này. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng tiếp tục thực hiện tốt các công việc sau:
1. Chỉ đạo thu hồi các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn. Xử lý các vi phạm về sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn theo quy định của pháp luật và làm thủ tục cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Chỉ đạo Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng và Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng nghiêm túc kiểm điểm việc xét xử đối với vụ việc này.
2. Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra và sớm đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng qui định của pháp luật việc phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn. Đình chỉ công tác những cán bộ đã chỉ đạo phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn.
3. Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.
4. Chỉ đạo huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến những vi phạm trong việc giao đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế, phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn.
5. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về việc:
- Chấp thuận đề nghị cưỡng chế thu hồi đất không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.
- Khi vụ việc xảy ra chậm chỉ đạo làm rõ đúng sai và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; báo cáo chưa đầy đủ - nghiêm túc với Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện cung cấp thông tin chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ gây bức xúc trong dư luận.
6. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc này và chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, không để xảy ra vụ việc tương tự. Sớm ổn định tình hình mọi mặt của huyện Tiên Lãng. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng, phát huy thành tựu to lớn và truyền thống tốt đẹp của thành phố Hải Phòng, tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015 mà Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Những công việc trên phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
III. Qua vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai
2. Bộ TNMT chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất đai. Khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai để kiến nghị sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với thực tế tình hình và yêu cầu phát triển mới.
3. Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng thể chế để kiểm soát việc ban hành các quyết định hành chính của chính quyền các cấp.
4. Thủ tướng kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao theo thẩm quyền xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng và Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng.
5. Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp đối với vụ việc này.
Yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Nghiêm túc rút kinh nghiệm, hết sức tránh việc đưa tin không khách quan, không đúng bản chất sự việc làm phương hại đến lợi ích của đất nước và người dân.
Yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chủ quản, tăng cường chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia tuyên truyền định hướng dư luận xã hội; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm để báo chí nước ta ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng hoan nghênh những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng đối với vụ việc này của các đồng chí lão thành, các chuyên gia và nhiều cán bộ, nhân dân đã gửi trực tiếp đến Thủ tướng hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp xây dựng đối với việc quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.
Theo Chinhphu.vn


Thứ ba, ngày 02 tháng tư năm 2013


Thư ngỏ của ls Trịnh Minh Tân, người đã từng bào chữa cho bà Ba Sương, gửi kiểm sát viên Hải Phòng đang tiến hành tố tụng vụ án Đoàn Văn Vươn





Tôi là luật sư Trịnh Minh Tân, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh
            Địa chỉ: 22 đường 53, phường Bình Thuận quận 7, Tp. Hồ Chí Minh
            Điện thoại: (08) 6262 4841            E-mail: lsminhtan@yahoo.com.vn
            Thưa quý ông/bà, tôi không phải là người bào chữa cho các bị cáo
trong vụ án Đoàn Văn Vươn, vì thế không biết rõ các chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội cho các bị cáo được thể hiện trong hồ sơ vụ án nên tôi chưa thể khẳng định những bị cáo bị truy tố có tội hay không và nếu có tội thì tội gì, mặc dù qua các phương tiện truyền thông tôi cũng có thể hình dung ra sự thật khách quan của vụ án. Nhưng để phân tích theo hướng gỡ tội hay buộc tội thì không, vì người phân tích phải nhìn thấy bản cung, nhìn thấy vật chứng và các tài liệu do các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập. Tuy nhiên, bất kỳ một luật sư nào khi đọc bản cáo trạng cũng có thể hình thành trong đầu những ý nghĩ, những lập luận bào chữa, nhưng để bào chữa thật sự như người tham gia tố tụng trong vụ án thì không thể.
            Do đó, tôi viết bức thư ngỏ này gửi tới các ông/ba kiểm sát viên không với tư cách là người hành nghề luật sư, mà với tư cách là người đã từng là kiểm sát viên, đã từng được phân công thực hành quyền công tố hàng nghìn vụ án trong thời gian xấp xỉ 30 năm công tác trong ngành kiểm sát.
            Tôi biết trong vụ án này, kiểm sát viên (KSV) thực hành quyền công tố chịu rất nhiều áp lực:
-         Áp lực từ dư luận: đòi hỏi phải có công lý thực sự với người bị truy tố;
-         Áp lực từ phía lãnh đạo, từ thành ủy: đòi hỏi KSV phải bảo vệ cho được quan điểm truy tố, qua đó chứng minh việc truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo là đúng người, đúng tội.
Tôi hiểu những áp lực như vậy có sức nặng khủng khiếp đè nặng lên tâm lý KSV.
Là người tiến hành tố tụng trong vụ án cụ thể này, KSV không chỉ quan tâm đến các chứng cứ buộc tôi, mà phải rất chú ý đến các chứng cứ gỡ tội, thậm chỉ phải phủ nhận những tình tiết được coi là chứng cứ buộc tội được thu thập trong quá trình điều tra để quy kết các bị cáo phạm tội mà với hiểu biết, với tư duy pháp lý và với niềm tin nội tâm của mình, KSV xác định đó chỉ là ngụy chứng cứ.
Cái dũng của người KSV là phải đặt sự thật, lẽ phải lên trên hết. Người KSV, vì thế phải có sức đề kháng với những áp đặt mang tính chủ quan, để từ đó phân tích các khía cạnh của sự kiện pháp lý trên cơ sở khách quan, khoa học. Điều quan trọng nhất vẫn là phân tích các hành vi khách quan, ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi bị coi là tội phạm.
Trong vụ án này, KSV không thể không phân tích các nguyên nhân dẫn đến hành vi chống đối lực lượng cưỡng chế của các bị cáo. Điều này thể hiện cụ thể ở các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền ban hành đã vi phạm như thế nào, đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ra sao?
Tôi có một may mắn là làm việc ở một thành phố lớn, áp lực công việc cũng không hề nhẹ, nhưng tâm lý không quá nặng nề giữa cái đúng và cái sai, vì bản thân luôn được bày tỏ quan điểm, và đề xuất ý kiến nhiều khi trái với quan điểm của lãnh đạo, thậm chí được quyền rút ra khỏi vị trí là người tiến hành tố tụng khi quan điểm của mình không đồng quan điểm với lãnh đạo. Đặc biệt, khi tôi còn làm việc ở VKSND TP HCM, Thành ủy luôn tôn trọng ý kiến của cơ quan tiến hành tố tụng, không chỉ đạo cụ thể, không áp đặt phải truy tố thế nào, xét xử ra sao, chỉ yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng phải làm đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.
Mạnh dạn bày tỏ quan điểm, đặt công lý lên trên, để sự thăng tiến chức quyền xuống dưới thì người KSV mới bảo vệ được quan điểm đúng của mình trước các áp lực.
Thời gian gần đây, báo giấy cũng như các trang mạng đề cập nhiều đến vụ án Nọc Nạn xảy ra cách đây 85 năm ở miền Tây Nam bộ. Tôi cho rằng chính quyền thực dân (Pháp) không phải vì “thương” nông dân, người đã có công khai khẩn đất hoang mà nương tay tha bổng. Điều quan trọng ở đây là chính quyền không chi phối, điều khiển hệ thống tư pháp, quan tòa được độc lập đưa ra phán quyết mà không chịu một áp lực bởi quyền lực chính trị nào. Đó là đặc điểm của bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập, nguyên tắc này tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận cận được với công lý.
Viện kiểm sát nhân dân với chức năng (khi Hiến pháp 1992 chưa sửa đổi năm 2001): “Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm do luật định.”
Với chức năng nêu trên, VKS địa phương có quyền kiểm sát và kháng nghị các văn bản do HĐND và UBND ban hành trái luật. Hình thức tổ chức “quyền kiểm sát” này phù hợp với nguyên tắc tổ chức nhà nước tập quyền, với nền kinh tế kế hoạch hóa. Trong nhiều trường hợp, sự lạm quyền của cơ quan hành pháp cũng bị chế ước bởi “đèn đỏ” do VKS phát ra bằng các kháng nghị để tạm dừng thi hành các văn bản trái luật, đặc biệt là các quyết định hành chính sai gây thiệt hại cho lợi ích chung cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Điều 2 Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001 quy định Nhà nước ta được tổ chức theo nguyên tắc: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”
Điều 137 được sửa đổi năm 2001: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định.”
Kể từ khi quy định trên có hiệu lực, các văn bản của chính quyền địa phương thi nhau phạm luật mà không bị “thổi còi”, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Trong khi đó thì chế định về khởi kiện hành chính còn mới mẻ và chưa hoàn thiện, người dân không có điều kiện để tiếp cận quyền khởi kiện của mình, mà nhiều khi khởi kiện thì cũng không thắng được chính quyền, do cơ chế vận hành của hệ thống tư pháp không hoàn toàn độc lập.
Trong bất kỳ một chế độ nào, nhà cầm quyền, mà cụ thể là những con người được giao quyền cũng tiềm ẩn sự lạm quyền, chỉ chờ có cơ hội là nó sẽ bung ra.
Trong bức thư ngỏ này tôi không phân tích nhiều về thể chế, nhưng chính cơ chế vận hành bộ máy công quyền có nhiều bất cập, không tương tác với thực tiễn đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng bởi những quyết định sai trái do chính quyền địa phương ban hành.
Nội hàm của điều 137 HP năm 1992 sửa đổi năm 2001 chỉ có thể phù hợp trong một nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập, không phù hợp trong một nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền. Nhà nước ta được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, nhưng cơ sở kinh tế đã có nhiều thay đổi, nền sản xuất không “kế hoạch hóa” như trước đây, mà nó vận hành theo quy luật của thị trường. Đây là sự mâu thuẫn đang tồn tại giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng cần phải được hóa giải.
Vì vậy, nếu nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền thì VKS phải có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật (không chỉ là kiểm sát hoạt động tư pháp như hiện nay). Còn nếu giữ chức năng như điều 137 Hiến pháp hiện hành thì nên đổi tên VKS là Viện công tố, và tất nhiên, bộ máy nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập, chế ước lẫn nhau thì mới ngăn chặn được sự quá lạm của các nhánh quyền lực.
Nếu như Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 không bỏ toàn bộ chức năng kiểm sát chung, mà giữ lại chức năng kiểm sát văn bản thì các KSV có thể không bị áp lực đè nặng như bây giờ.
Trở lại vụ án Đoàn Văn Vươn, những thiệt hại do các văn bản trái luật do UBND ban hành thì đã rõ. Đó là:
-         Thiệt hại về tài sản cho gia đình Đoàn Văn Vươn;
-         Thiệt hại về sức khỏe cho các chiến sĩ thực thi lệnh cưỡng chế.
Cả hai thiệt hại này là hệ quả của quyết định trái luật của chính quyền thành phố Hải Phòng và huyện Tiên Lãng.
Vì thế nên xem xét:
  • Miễn trách nhiệm hình sự cho Đoàn Văn Vươn và các bị cáo liên quan đến hành vi của Đoàn Văn Vươn (nếu các luật sư có đủ căn cứ chứng minh Đoàn Văn Vươn không phạm tội giết người, và chỉ dừng lại ở hành vi chống người thi hành công vụ).
  • Xử lý trách nhiệm, kể cả truy cứu trách nhiện hình sự đối với những cán bộ có trách nhiệm của thành phố Hải Phòng và huyện Tiên Lãng, gắn với việc bồi thường thiệt hại cho gia đình Đoàn Văn Vươn và những người bị thương.
  • Công nhận thương binh cho những chiến sĩ bị thương nếu họ đủ điều kiện về tỷ lệ thương tật. Điều này có vẻ khôi hài nhưng đó là pháp lý và đạo lý. Những người lính thực thi lệnh cấp trên, họ không có điều kiện và cũng không buộc phải biết là hành vi của họ vào khu đầm thi hành lệnh cưỡng chế là đúng hay sai. Bởi lẽ, đã là người lính thì phải biết “quân lệnh như sơn” (mệnh lệnh trong quân đội là dứt khoát, chỉ biết có chấp hành, ví như là quả núi, không thay đổi, lay chuyển được. Theo logic hình thức thì lệnh cấp trên đương nhiên cấp dưới phải thi hành và trong nhận thức của người lính thì họ đang thực thi nhiệm vụ được giao. Việc đúng, sai phải do người ra lệnh chịu trách nhiệm.
Khó lắm! Trong vụ án này, KSV khó có thể đo được bản lĩnh của mình.
“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn là đức tính cần có của người kiểm sát viên.
Lịch sử tư pháp Việt Nam chắc chắn sẽ tô đậm dấu ấn vụ Đoàn Văn Vươn. Nó được tô bằng dấu son hay dấu đen còn tùy thuộc vào người tiến hành tố tụng.
Vụ Nọc Nạn cách nay 85 năm, dù là Tòa án của chế độ thực dân hà khắc, nhưng nó lại được tô đậm bằng dấu son với tinh thần: Tòa đến với dân, công lý dành cho tất cả.
Nói như vậy không có nghĩa là Tòa án nhân dân hiện nay không mang lại công lý, mà ngược lại, nhiều oan trái đã được Tòa án nhân dân minh oan. Vụ Tạ Đình Đề năm 1976 là một ví dụ.
Người dân cũng đang mong chờ phán quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng được phát ra từ những thẩm phán “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”
                                               
  Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 4 năm 2013
 Người gửi
 Luật sư Trịnh Minh Tân
http://phantatthanh.blogspot.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét