Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Tạ Đình Đề: Cố ý làm trái nhưng không tư lợi!

Lời tuyên án vang lên trong tiếng hoan hô vang dội của những người tham dự phiên tòa. Người ta ào vào công kênh Tạ Đình Đề như người anh hùng…


Kỳ 3: Tai họa và oan khuất Ngay từ những năm trước 1975, ông đã thực hiện khoán sản phẩm trong đơn vị của mình, thưởng lương tháng 13 cho công nhân. Việc ông phải ra tòa đã làm chấn động dư luận lúc bấy giờ.
Ra tòa vẫn được tặng hoa
Về ngành đường sắt Tạ Đình Đề được làm Trưởng ban Thể dục thể thao rồi kiêm Xưởng trưởng xưởng dụng cụ cao su.
Tại đây ông đã có nhiều quyết định táo bạo như: áp dụng hình thức khoán sản phẩm, khoán công việc đến từng người, từng tổ và trả lương theo sản phẩm, thực hiện thưởng lương tháng 13 để công nhân có tiền ăn Tết. Công nhân được đưa đón bằng xe ô tô và ăn giữa ca không mất tiền…
Ông Tạ Đình Đề trong bệnh viện.
Giữa lúc công việc trôi chảy và phát đạt thì ngày 27/11/1974, Tạ Đình Đề và vị phó của ông là Nguyễn Xuân Luật bị bắt giam, vì nghe đâu có đơn tố cáo ông Đề ba tội: chứa thuốc nổ và vũ khí; tập hợp các phần tử xấu và rút tiền mặt chi tiêu vô tội vạ…
Tư liệu Đại tá Quách Hải Lượng lưu giữ thể hiện: Sau 18 tháng giam cứu, ngày 7/6/1976 Tạ Đình Đề và các đồng phạm được đưa ra TAND TP Hà Nội để xét xử. Phiên tòa kéo dài 6 ngày trở thành một sự kiện chấn động dư luận thời bấy giờ.
Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt Hà Đăng Ấn cho anh em xí nghiệp nghỉ việc để đi tham dự phiên tòa. Nhiều anh em công nhân ôm hoa đứng ở cổng Hỏa Lò để tặng ông khi Công an dẫn ông sang Tòa án. Quảng trường Tòa án ngày nào cũng đông nghịt người theo dõi phiên tòa…

Bất chấp mọi thứ để làm lợi cho… đơn vị
Bà thẩm phán Phùng Lê Trân đã làm rõ từng nội dung cáo trạng buộc tội Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác trong vụ án.
Một bức ảnh thời trẻ của Tạ Đình Đề
Hội đồng xét xử nhận định: Toàn bộ hoạt động của Tạ Đình Đề từ 1971 đến 1974 là thấy việc gì có lợi cho đơn vị thì kể cả móc ngoặc, xin nhượng, mua bán, đổi chác để thực hiện bằng được. Thấy mặt hàng gì có khả năng bán được là tung tiền ra mua kỹ thuật và đầu tư sản xuất, trước mắt lấy lãi phục vụ kiến thiết cơ bản, hoạt động thể dục thể thao và mục tiêu lâu dài là đưa xí nghiệp trở thành xí nghiệp lớn, kinh doanh tổng hợp. Kết quả đạt được là một cơ ngơi khang trang được hoàn thành trong hai năm trên một bãi tha ma và ao rau muống… Các bị cáo cố ý làm trái nhưng không có tư lợi.
Cáo trạng dựa vào một bản báo cáo thanh tra, nhưng thẩm phán Phùng Lê Trân phân tích: Báo cáo của đoàn thanh tra liên bộ chưa có căn cứ để tin. Xét về nguyên tắc thì không có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên bộ. Báo cáo thanh tra không có ngày tháng, không ghi những ai, tên gì, của cơ quan nào được cử tham gia đoàn thanh tra. Không ghi ai là đoàn trưởng, đoàn gồm có mấy người… nên không thể xem đây là văn bản có giá trị pháp lý.
Hơn nữa, bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên trong công văn số 72 ngày 4/12/1974 khẳng định: “Có những việc liên quan đến Tổng cục đường sắt và Bộ có trách nhiệm, không phải giám đốc xưởng tự ý làm”. Hội đồng xét xử quyết định Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác không phạm tội cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây thiệt hại cho tài sản XHCN; không phạm tội tham ô và hối lộ. Tạ Đình Đề và các bị cáo khác được trả tự do.
Lời tuyên án vang lên trong tiếng hoan hô vang dội của những người tham dự phiên tòa. Người ta ào vào công kênh Tạ Đình Đề như người anh hùng… Ngay sau phiên tòa, Tổng cục đường sắt đã phục hồi ngay quyền lợi như lương bổng, chức vụ cho Tạ Đình Đề.
Nhưng số phận ông vẫn chưa hết rủi ro. Ngày 15/8/1985 ông lại bị bắt về tội “Tuyên truyền phản cách mạng”. Mãi đến năm 1987, Tạ Đình Đề mới được minh oan hoàn toàn…

Anh Tạ Đình Tiến, con trai ông Tạ Đình Đề
Anh Tạ Đình Tiến, con trai ông Tạ Đình Đề: Hai lần bố tôi bị bắt oan, gia đình tôi rơi vào cảnh hoang mang, khổ cực vô cùng. Mẹ tôi phải bán nhà ở trên phố về ở khu Khâm Thiên để có tiền tiếp tế cho bố tôi.
Khi bố tôi bị bắt lần thứ nhất, vào năm 1974 – 1976, anh trai tôi đang học ĐH Bách khoa phải nghỉ học. Lần thứ hai, từ năm 1985-1987, tôi đang học tại chức ĐH Bách khoa, bị đuổi khỏi chỗ làm và phải nghỉ học. Thế hệ chúng tôi đã qua, không thể làm lại được. Giờ chỉ trông vào thế hệ con cái mà thôi.
Nhà văn Chu Lai: Nhiều khi tôi cứ tẩn mẩn nghĩ, một con người bị cuộc đời dần lên, hắt xuống ghê gớm như ông mà không biết đùa, không biết cười cợt, ngang tàng thì dễ quỵ lắm.
Kỳ tới: Tạ Đình Đề – nhà tình báo đặc biệt
TA (KH&ĐS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét