Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Quyền Con Người đối với tôi là gì?



Xã Hội, Con Người, và Quyền Con Người trong Xã Hội
Bài dự thi mã số QCN&T000009

Quyền Con Người đối với tôi là gì? 

Mãi đến khi đối diện với câu hỏi này tôi mới thấy nó là một câu hỏi khó.  Lý do không phải vì tôi chẳng biết gì về Quyền Con Người, cũng không phải vì nó là một thứ tôi có thừa hay thiếu mà đơn giản chỉ là vì tôi chưa bao giờ bỏ nhiều thời gian nghĩ đến nó từ mức cơ bản nhất để có thể trả lời một cách đơn giản nhất.  Tất nhiên tôi có thể Google để tìm hiểu lịch sử nhân quyền trên thế giới hoặc đề cập đến những quyền lợi được nói đến trong bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhưng nghĩ cho cùng thì đó cũng chỉ là câu trả lời của người khác.  Và để tự viết về cảm nhận của tôi với đề tài Quyền Con Người, tôi cảm thấy đây là một đề tài cần phải bắt đầu từ hai chữ Con Người. 
Nhấp vào giữa hình để xem thêm thông tin
Định nghĩa Con Người đối với tôi là gì?

Là một fan của thuyết tiến hóa Darwin, tôi tin rằng con người cũng chỉ là một loại động vật như những loại động vật khác.  Con người có thể khác biệt ở sự thông minh tột đỉnh.  Nhưng nếu ta nhìn vào sự thông minh của một con bò và một con khỉ và vẫn xem con khỉ là một động vật, thì con người cũng chỉ là một loại động vật thông minh hơn mà thôi.  Và vì vậy, hai chữ Con Người đơn giản chỉ là cái tên của một loại động vật thông minh.

Dĩ nhiên, hai chữ Con Người đối với xã hội của chúng ta có một ý nghĩa sâu sắc hơn việc chỉ là tên gọi.  Nó tượng trưng cho một sự tách rời ra khỏi cộng đồng của loài vật.  Hai chữ Con Người hôm nay không đơn giản chỉ là homo (man - con người) mà còn là homo sapiens (wise man - con người sáng suốt).  Nhưng, lấy gì làm lằn ranh tượng trưng cho sự tách rời khỏi thế giới động vật đó?  Tôi tin rằng lằn ranh đó phải là sự tách rời khỏi quy luật tự nhiên của thế giới loài vật: Quy luật của “kẻ mạnh được, kẻ yếu thua”.  Cho nên, Con Người phải là một loại động vật có thể tiến hóa để thoát khỏi quy luật “kẻ mạnh được, kẻ yếu thua” để xây dựng một xã hội tôn trọng sự bình đẳng.  Sự khác biệt giữa con người và con vật phải nằm trong các sinh hoạt xã hội.

Xã Hội Con Người đối với tôi phải như thế nào?

Xã hội của Con Người thực sự phải là một xã hội hướng tới sự bình đẳng của tất cả các thành viên.  Đó phải là một xã hội không cho phép kẻ mạnh đối xử với kẻ yếu như những con vật, một xã hội hạn chế phân biệt giai cấp và phân biệt đối xử và có biện pháp trừng trị thích đáng những kẻ nào ngược đãi đồng loại.

Tất nhiên, với bản tính tự nhiên của một loài vật, những con người rời rạc không thể cưỡng lại lòng ham muốn tận dụng khả năng để vơ vét, đàn áp, hiếp đáp kẻ yếu hơn mình nhằm sinh lợi cho bản thân.  Vì vậy, Xã Hội Con Người phải là một xã hội có cơ cấu, quy luật, và nỗ lực không ngừng nghỉ của các thành viên nhằm kềm chế tính thú của nhau và thúc đẩy phát triển những cá tính hướng đến bình đẳng, công bằng (tính người).

Thực trạng của Xã Hội Con Người theo quan điểm của tôi
Nhấp vào giữa hình để xem thêm thông tin
Nhìn suốt chiều dài lịch sử nhân loại, con người vẫn chưa đủ sáng suốt để thoát khỏi quy luật tự nhiên của loài vật.  Con người đã và đang lặn ngụp trong chiến tranh để xâm chiếm nhau.  Con người vẫn còn đang sáng chế ra những phương pháp mới lạ trong kinh tế thị trường để lấn ép, cướp bóc lẫn nhau.  Con người vẫn chấp nhận cái nghèo và cái khó như những lý do chính đáng để giẫm đạp lên nhau mà sinh tồn thay vì nương tựa vào nhau.  Càng nghèo khó, con người càng kịch liệt giẫm đạp lên nhau cho đến khi thời cuộc bắt buộc phải dựa vào sức mạnh tôn giáo, đảng phái, đoàn thể, dân tộc, hình thức xã hội để rồi tiếp tục giẫm đạp lên nhau ở mức quy mô hơn.

Từ xã hội chủ nghĩa độc tài lạm quyền tàn độc cho đến xã hội tư bản ma mãnh với nhiều thủ đoạn chính trị kinh tế, tất cả chỉ là những xã hội nữa người nữa vật nếu thiếu vắng nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của các thành viên nhằm tạo dựng và duy trì cơ cấu, quy luật tôn trọng quyền bình đẳng cho mọi thành viên trong xã hội.  Đối với tôi, chưa có một xã hội nào xứng đáng để gọi là Xã Hội Con Người một cách tuyệt đối.  Nhưng vẫn còn đó sự khác biệt ở việc một xã hội có nhiều tính người hơn tính thú, có nhiều thành viên giống người hơn giống thú.  Và quan trọng hơn hết là việc một xã hội gia tăng nỗ lực tiến về hướng Xã Hội Con Người, hội nhập vào cộng đồng thế giới hay buông thả theo tự nhiên về phía Xã Hội Loài Vật và tự cô lập lấy mình.

Xã Hội tạo nên Con Người, hay Con Người tạo nên Xã Hội?

Không phải do ngẫu nhiên mà tôi đặt ra một câu hỏi tương tự đề tài quả trứng và con gà.  Là fan của thuyết tiến hóa, tìm câu trả lời cho nan đề quả trứng con gà không phải khó đối với tôi.  Nhưng khác với nan đề quả trứng con gà, đề tài xã hội và con người không phải là một việc nghĩ đến cho vui vì những câu trả lời khác nhau sẽ dẫn đến những kết quả rất khác biệt.

Nhìn vào một xã hội có quá nhiều vấn nạn như xã hội VN chẳng hạn, tôi không thể quên được câu nói “xã hội này tạo ra những con người như thế”.  Nó được dùng để giải bày cho sự bất lực của bản thân.  Nó được dùng để trút cơn giận lên ĐCS, lên hình thức XHCN.  Nhưng có thật như thế không?  Nhìn xa hơn nữa, chúng ta có thể nói XHCN là do một số người tạo ra, và sau đó nó tạo ra những con người như thế.  Tức là xã hội và con người tác động lẫn nhau.   Sự thật là như vậy, nhưng có nên chấp nhận như vậy hay không?

Khác với vấn đề con gà và quả trứng khi sự thật là sao cũng chẳng ăn nhằm gì đến tôi, khi nghĩ đến câu trả lời xã hội tạo nên con người hoặc con người và xã hội tác động lẫn nhau, tôi không thể quên đi bản tính tha hóa tự nhiên ở con người.  Những người tôi biết hiện nay không có được cái phước sống trong một xã hội hoàn hảo.  Và thật vô phước cho những ai phải đối diện với một xã hội đầy dẫy những tệ nạn.  Nếu chấp nhận rằng xã hội tạo ra con người, thì cái XHCN của VN sẽ còn tạo ra thêm nhiều “những con người như thế” nữa.  Vòng xoáy xã hội tạo nên con người sẽ đưa đất nước về đâu?

Chấp nhận câu trả lời về việc xã hội và con người tác động lẫn nhau cũng nguy hiểm không kém.  Ở một mặt, tác động tốt sẽ được con người lãnh công, và tác động xấu sẽ được đổ lỗi cho... xã hội.  Mặt khác, khi thành phần tha hóa, thờ ơ, yếu hèn chiếm số đông trong khi xã hội đầy dẫy những tệ nạn, hai thành phần này tác động lẫn nhau sẽ có kết quả như thế nào?   

Có lẽ đọc đến đây, bạn sẽ hỏi tôi rằng việc tin rằng con người tạo nên xã hội có khác biệt gì với trường hợp vừa nêu lên ở trên?  Tôi tin rằng có khác.  Khi loại bỏ niềm tin xã hội tạo nên con người, tôi sẽ không phó mặc số phận và thờ ơ với những việc đang xảy ra chung quanh tôi nữa (trừ khi nào tôi là thành phần đang hưởng lợi từ sự tha hóa của xã hội).  Khi nhìn vào những điều xấu trước mắt và tin rằng tôi có thể thay đổi được nó, niềm tin này đã giúp tôi nhìn thẳng vào khả năng của mình, vào những gì tôi có thể làm.  Ở mức tối thiểu, niềm tin này đã giúp tôi nhận ra sự tha hóa nơi con người khi họ có thể ung dung sống ngoài vòng pháp luật.  Niềm tin này cũng đã giúp tôi nhận ra quyền lợi công dân được đảm bảo của bạn bè tôi đã bị tước đoạt như thế nào.  Ở mức tối thiểu, niềm tin này giúp tôi hiểu được những người tôi quan tâm đang bị đối xử như người hay vật.  Ở mức tối thiểu, nó đã giúp tôi cảm thông được sự hy sinh của những người đang bất chấp hiểm nguy tạo dựng một xã hội mới, đang chịu đựng cảnh ngục tù để đòi hỏi quyền làm người cho tất cả.

Quyền Con Người và Trách Nhiệm Con Người trong Xã Hội

Quyền Con Người theo tôi chỉ có thể đề cập đến trên vấn đề đủ hay thiếu, đồng đều hay không mà thôi.  Con người trong bất kỳ xã hội nào cũng có một số quyền, nhưng có bao nhiêu, và sự giới hạn của mỗi quyền như thế nào mới chính là vấn đề.  Trong một xã hội của những con người có trách nhiệm, từ tầng lớp lãnh đạo cho đến nhân dân đều phải cùng gánh vác bổn phận sử dụng và bảo vệ quyền làm người của mình cũng như của kẻ khác.  Và quyền làm người đó không cần phải mơ hồ như tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do lập hội, v.v... Nó đơn giản chỉ là: được đối xử bình đẳng. 

Theo tôi, chỉ khi nào nghĩ đến Quyền Con Người qua hay chữ “bình đẳng” người ta mới hiểu rõ mình có đủ hay chưa, mới hiểu rõ mình được đối xử như người hay vật.  Xã Hội Con Người là một xã hội có luật pháp, hiến pháp được chấp hành nghiêm chỉnh để đảm bảo mọi người được đối xử bình đẳng.  Nếu ai đó cảm thấy mình bị phân biệt đối xử, bị ngược đãi, sống trong bất công mà cho rằng đó là chuyện thường tình phải chấp nhận, người đó thật đang sống trong một xã hội người và thú lẫn lộn.   Trong xã hội của loài người, chỉ có những con thú mới không có quyền lợi gì. 

Và cũng qua hai chữ “bình đẳng”, tôi mới cảm nhận được rằng Quyền Con Người không phải là thứ được đảm bảo qua một bản tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc, không phải là thứ được đảm bảo bởi Hiến Pháp, càng không phải là thứ tự nhiên có được hay khi sinh ra là phải có.  Quyền Con Người của tôi, cũng như sự tự do và bình đẳng, là một thứ phải đấu tranh mới có được và phải kiên trì bảo vệ mỗi khi tôi cảm thấy nó bị xâm phạm.  Quyền Con Người đi đôi với trách nhiệm.  Và cho dù tôi sống ở xã hội văn minh như thế nào đi nữa, nếu tôi không có trách nhiệm đấu tranh cho quyền làm người của tôi, quyền được đối xử bình đẳng của tôi,  tôi sẽ bị người khác giẫm đạp lên.  Suy cho cùng thì thế giới này vẫn còn là thế giới của động vật.

Lời kết

Bài viết này chỉ là tổng kết của những ý nghĩ rời rạc phát sinh từ ba chữ Quyền Con Người.  Nó được trình bày rời rạc y như dòng tư tưởng của tôi.  Tuy rời rạc, nhưng cũng đủ để tôi đi đến những nhận định sau đây:
Nhấp vào giữa hình để xem thêm thông tin
  • Các vấn nạn, xã hội nào cũng có.  Nhưng sự khác biệt là ở sự phản ứng của tất cả những thành viên trong xã hội đối với vấn nạn đó.
  • Định nghĩa về con người rất mơ hồ và dễ dãi trong một xã hội lẫn lộn tính người và tính thú, cho nên Quyền Con Người cũng sẽ rất mơ hồ đối với những người đang sống trong một xã hội như vậy.
  • Quyền Con Người xã hội nào cũng có, nhưng quan trọng là ở người có ít người có nhiều, người bị hạn chế, người được lạm dụng. 
  • Trong bất kỳ xã hội nào, nếu tôi không phấn đấu có và sử dụng quyền làm người, tôi sẽ bị phân biệt đối xử như một con vật.  Là một con người, việc đơn giản nhất là phải biết suy nghĩ, phát biểu, và đấu tranh để thực hiện hai điều này.
  • Niềm tin về khả năng con người tạo nên xã hội sẽ giúp xã hội phát triển theo nguyện vọng của con người.
  • Một xã hội thiếu vắng sự bình đẳng của mọi thành viên là một xã hội mà trong đó, mọi người phải lặn ngụp tranh giành để mà sống.  Đó là quy luật tự nhiên trong xã hội loài vật.
  • Không có gì xấu xa khi thành thật với bản thân mình.  Vì đó là việc cần thiết để nhìn ra mình giống người hay giống thú.
Nhấp vào giữa hình để xem thêm thông tin
Dòng tư tưởng này khiến tôi nhớ lại một đoạn trích trong tác phẩm CHUYỆN CỦA B của nhà văn kiêm giáo sư Daniel Quinn, xin dùng nó làm đoạn kết.

"Là một kẻ chuyên lần mò lắp ráp, tôi không làm một điều gì có thể định nghĩa rõ ràng như vậy, anh Jared ạ. Tôi tìm hiểu thứ này, tôi thí nghiệm thứ kia. Tôi tự hỏi không biết có một chiều tư tưởng nào vốn gắn liền với tín ngưỡng hay không. Tôi tự nói với mình rằng ý tưởng cũng như thanh âm trong âm nhạc, một thứ không bao giờ đơn lẻ, cá biệt. Thay vào đó, nó lúc nào cũng được cộng hưởng, hòa lẫn với nhau dưới nhiều dạng hòa âm khác nhau - những âm bội và những âm dịu. Và tôi cũng nói với tôi rằng khi một ý thức phát triển trở thành một ý tưởng con người, nó sẽ bắt đầu vang dội trong một lối hòa âm tương đương với những gì ta gọi là tín ngưỡng; hoặc cơ bản hơn, đó là sự nhận thức về những gì thiêng liêng. Nói một cách khác, tôi tự hỏi rằng nhận thức về những gì thiêng liêng có phải là một nhận thức cá biệt gì không? Hay nó chỉ là một âm bội của ý tưởng con người mà thôi? Một phỏng đoán loại này có thể tạo nên scientia, kiến thức, nhưng vì nó không thể phủ nhận hay chứng minh gì, nó không thể tạo nên căn bản khoa học gì theo định nghĩa hiện đại. Một tác phẩm của nghệ thuật lắp ráp bricolage không có gì là khoa học cả, anh Jared ạ. Nhưng nó vẫn có thể tạo sự kinh ngạc, có lý, và kích thích tư duy. Nó vẫn có thể gây ấn tượng với đầy đủ tính xác thực, giá trị hiệu lực, tình lý, và sức thuyết phục." (B, Chuyện của B)

Giáo dục



ĐH Kinh tế Quốc dân lạm thu hơn 51 tỷ


- Chiều 11/12, Bộ GD-ĐT công bố hàng loạt sai phạm của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Thanh tra Bộ đã thu hồi hơn 3 tỷ đồng thu vượt học phí nâng điểm của sinh viên hệ ĐH chính quy năm học 2011 về ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Phương, thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, trong hai tháng (từ ngày 24/7 đến ngày 24/9) đoàn đã tiến hành thanh tra 4 nội dung: Công tác tổ chức, cán bộ; công tác đào tạo sau ĐH và liên kết đào tạo; công tác xây dựng cơ băn; các khoản thu chi tài chính giai đoạn từ tháng 7/2008 đến hết tháng 5/2012.
Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa công bố hàng loạt sai phạm tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân
Bản kết luận Bộ GD-ĐT đưa ra cho thấy hoạt động của nhà trường "đụng đâu sai đó". Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, "trong công tác đào tạo, trường tự ý chuyển 54 sinh viên từ Trường ĐH Tây Bắc về học tại trường là việc làm vô lối, sai quy định". 54 sinh viên thuộc diện đào tạo liên kết giữa hai trường. Theo quy định thì 54 sinh viên sẽ học tại Trường ĐH Tây Bắc và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cấp bằng. 
Nhấp vào giữa hình để xem thêm thông tin
"Tuy nhiên, trường đã "hợp thức hóa" cho số sinh viên nói trên có điểm đầu vào thấp được học tại trường - đây là việc làm không đúng với Quy chế đào tạo ĐH, CĐ và các hợp đồng liên kết. Do đó, sau khi kết luận thanh tra công bố trường phải chuyển toàn bộ 54 sinh viên về học tại Trường ĐH Tây Bắc" - ông Bằng quả quyết.
Kết luận cũng chỉ ra nhiều khoản thu sai, thu vượt trong công tác tài chính lên đến trên 51 tỷ đồng. Cụ thể, trường thu kinh phí đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ không có trong quy định trên 22 tỷ đồng; Thu vượt quy định về học phí nâng điểm hệ chính quy trên 3 tỷ đồng; Thu vượt quy định lệ phí tuyển sinh các hệ gàn 8 tỷ đồng; Thu ngoài quy định (gồm lệ phí nhâp học, thẻ sinh viên, giấy thi...) trên 18 tỷ đồng; Thu phí trông xe vượt quy định gần 230 triệu đồng.
Ông Lê Khánh Tuấn, phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, sau khi xem xét các khoản thu chưa đúng Thanh tra Bộ chỉ kiến nghị thu hồi 3 tỷ tiền thu vượt học phí nâng điểm của sinh viên hệ ĐH chính quy năm học 2011 về ngân sách nhà nước. Các khoản khác không thu hồi trường được giao tự chủ tài chính từ năm 2008. Một số khoản chưa có quy định thu nhưng Bộ Tài chính cho phép như phí đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chính quy...
"Với các khoản đã thu - trường đưa vào tổng chi cho chi phí đào tạo chứ không vì mục đích riêng tư. Hiện các khoản trường đã chi hết nên Thanh tra không kiến nghị thu hồi" - ông Tuấn cho hay.
Trước những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến sai phạm nêu trên, thanh tra Bộ kiến nghị: Song song với việc chấn chỉnh công tác quản lý của hiệu trưởng - nhà trường tổ chức kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng trong quản lý điều hành và ban hành các văn bản trái quy định. Đồng thời tổ chức kiểm điểm, kỷ luật đối với tập thể và cá nhân thuộc phạm vi quản lý để xảy ra vi phạm trong 4 lĩnh vực nêu trên.
Nội dung xử lý phải báo cáo Bộ trong quý 1 năm 2013.
  • Kiều Oanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét