Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

5 giải pháp phá băng thị trường BĐS của VAFI: Chỉ mang tính lợi ích cục bộ

5 giải pháp phá băng thị trường BĐS của VAFI: Chỉ mang tính lợi ích cục bộ

5 giải pháp phá băng thị trường bất động sản (BĐS) của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa công bố trên Thời báo Kinh tế cho thấy mối quan tâm lớn nhất của VAFI vẫn tập trung vào việc giải cứu nhóm doanh nghiệp BĐS chứ không thiên về việc phát triển một thị trường hài hòa hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích chung cho các bên tham gia.
Đến thời điểm này mà nhiều chủ đầu tư vẫn ảo tưởng về những khoản lãi trong mơ và tìm mọi cách níu kéo sản phẩm ở giá cao ngất. Trong khi đó, giá nhà quá cao mới chính là lý do khiến cung cầu không gặp nhau, dẫn đến tình trạng người mua thờ ơ với BĐS, mặc dù nhu cầu vẫn còn nguyên. Những giải pháp mà VAFI vừa không bố nhằm phá băng thị trường BĐS cũng không “thoát” khỏi tầm của doanh nghiệp nhỏ khi chỉ hướng tới lợi ích trước mắt: tránh làm mất giá BĐS, duy trì lợi ích cho các chủ đầu tư.
 
Giải pháp thứ nhất của VAFI đưa ra là giảm lãi suất cho cho vay mua đối với người thu nhập thấp. Theo đó sẽ “được” hưởng mức lãi suất ưu đãi là 7%/năm đối với người mua nhà trị giá dưới 2 tỷ đồng. Giả sử, người được coi là thu nhập thấp có một khoản dự trữ 500 triệu và vay 1,5 tỷ đồng để vay mua với lãi suất ưu đãi do VAFI đề xuất. Trong 3 năm đầu, trung bình mỗi tháng một hộ có “thu nhập thấp” phải trả lãi ít nhất là 9 triệu đồng, cộng với giá trị căn nhà phải trả dần. Sau 3 năm, không còn lãi suất ưu đãi nữa, số tiền phải trả hằng tháng rất có thể sẽ tăng vọt lên tùy vào tỷ lệ lãi suất ở thời điểm đó. Như vậy, mỗi tháng cộng cả các chi phí sinh hoạt lẫn trả lãi, các hộ thu nhập thấp phải trang trải trên dưới 20 triệu đồng. Liệu người “thu nhập thấp” nào lại có nguồn thu mơ ước như vậy trong thời buổi gạo châu củi quế hiện nay?!
 
Kể từ khi thị trường BĐS đóng băng 3 năm nay, nhiều chiêu kích cầu đã được tung ra, từ việc bơm vá trên báo chí qua những màn dự báo trời ơi của các “chuyên gia”, “hiệp hội” này nọ. Thậm chí, đủ các loại hội thảo chuyên ngành với hàng tá các nhóm giải pháp, phát ngôn của yếu nhân nhằm kích cầu BĐS…, nhưng, mặc, ai tuyên bố cứ tuyên bố, thị trường vẫn băng băng đi xuống.
 
Tuy đưa ra giải pháp về lãi suất, xong VAFI vẫn không muốn làm các ngân hàng mếch lòng khi đề xuất Chính phủ sẽ dành ra một khoản tiền để bù lãi suất cho chính các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này. Như vậy, trên thực tế, lãi suất không giảm và người dân vẫn phải mua nhà giá cao. Bởi ngân hàng thì được bù lãi suất bằng chính tiền ngân sách từ nguồn thu thuế do dân đóng. Chính sách này thực ra là một hình thức “lấy mỡ nó rán nó”.
 
Có vẻ như VAFI cho rằng nguồn thu ngân sách là vô tận và chỉ để dành vào mục đích cứu các doanh nghiệp BĐS nên giải pháp thứ hai của VAFI cũng tìm cách khai thác nguồn vốn của SCIC (TCT Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước). VAFI cho rằng SCIC nên bỏ vài chục ngàn tỉ ra mua lại nhà giá rẻ để phục vụ cho quỹ nhà tái định cư. Tuy nhiên, VAFI “quên” mất một điều, SCIC được sinh ra để tập trung cho các ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn có khả năng kích thích tăng trưởng kinh tế mang tính thời điểm, tính chiến lược như năng lượng, viễn thông, vận tải, công nghệ thông tin… chứ không phải để mang tiền đi đấm “bị bông” BĐS. 25.000 tỷ đồng mà VAFI đề xuất SCIC mua nhà dường như không thấm thám gì với đống hàng tồn trị giá hàng trăm ngàn tỷ này. Song đứng trên góc độ sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là một doanh nghiệp có tính chiến lược như SCIC, việc tiêu nhầm 1 đồng cũng gây thiệt hại cho nền kinh tế.
 
Dường như cho rằng các giải pháp trên chưa đủ ép phê, VAFI đã liên tiếp đề xuất giải pháp 3 & 4, trong đó đều hướng đến việc bóp nghẹt hai thị trường ngoại tệ và thị trường vàng, buộc người dân và các nhà đầu tư phải hướng sự quan tâm vào thị trường duy nhất còn sót lại, thị trường BĐS. Theo đó, ngân hàng sẽ hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống 1%/năm, rồi 0%/năm. Tiếp đến là đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) vào hoạt động mua vàng miếng và vàng trang sức với mức 10%. Trong khi đó, vàng vốn là một thứ hàng hóa đặc biệt, đôi khi nó còn được sử dụng như một thứ tiền tệ và mang giá trị tích trữ cao, đặc biệt trong những giai đoạn kinh tế bất ổn và được người dân đặc biệt quan tâm. Thường khi cảm nhận thấy những bất ổn, người ta mới tìm đến với vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Song nếu áp thuế VAT 10% khi mua vàng, đồng nghĩa với việc cứ mua 10 cây vàng thì bị “tính thiếu” 1 cây. Để cứu một nhóm các doanh nghiệp BĐS mà sử dụng đến giải pháp này thì thực bất công cho người dân khi họ phải đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền, song khi muốn tích trữ để sử dụng khi cần lại bị “móc túi” không thương tiếc.
 
Có thể thấy, trong các giải pháp mà VAFI đưa ra, chưa có một giải pháp nào mang lại lợi ích thực sự cho người dân, người mua. Hầu hết vẫn chỉ “dựa vào sức dân” như tiêu tiền ngân sách, đánh thêm thuế vào dân, thậm chí còn có những điểm cực đoan như hướng đến việc “tiêu diệt” một số thị trường khác để tập trung cho thị trường BĐS. Trong khi đó, yếu tố then chốt của BĐS hiện nay là giá quá cao khiến người dân không chấp nhận thì không thấy VAFI nhắc đến.
 
Những giải pháp mang tính lợi ích cục bộ, một chiều như kiểu VAFI vừa nêu ra chỉ khiến cho người dân thêm cảnh giác và xa lánh với thị trường méo mó này.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét